Nữ sinh trường CĐ Sư phạm trung ương TPHCM
Vội vàng tìm việc làm thêm
Đời sinh viên nghèo luôn gắn với chữ “làm thêm”. Ai học giỏi thì làm gia sư. Ai có sức khỏe thì chạy bàn, phát tờ rơi. Riêng những nữ sinh trường CĐ Sư phạm trung ương TPHCM lại làm thêm bằng việc tham gia đội múa trong đám cưới. Thu Hà, sinh viên năm 3 bật mí: “Đó là việc làm đặc thù của sinh viên trường mầm non đấy ạ”.
Tuy vậy, không phải cô giáo tương lai nào cũng có thể tham gia đội múa đám cưới được. Dù rằng, trong tuyển sinh đầu vào, trường cũng cho thi năng khiếu: múa, hát, kể chuyện, thẩm âm, hội họa…Bởi lẽ, để có thể làm việc này, theo lời Kim Trang, sinh viên cần có năng khiếu và sự đam mê. Áp lực trong việc này cũng không nhỏ. Trong đội múa cũng có phe phái. Có khi nói xấu nhau, có khi không gọi nhau đến tập dượt. Người nào múa sai tuy không trừ tiền công nhưng nghe chửi cũng phát sợ. Tiền công cho sinh viên là 50.000 đồng một đám cưới. Thu nhập tuy bấp bênh nhưng cũng giúp Kim Trang xoay sở trong những chi tiêu trong cuộc sống.
Nhưng có những nữ sinh khác như Đinh Thị Quyên, quê
Vừa chân ướt chân ráo lên nội thành, chưa biết đường sá ra sao nên cô bé mượn bạn chiếc xe đạp rong ruổi tìm việc. Xin phụ quán phở thì người ta nhận nhưng phải làm khuya. Trong khi kí túc xá thì 10 giờ đã đóng cửa. Xin làm gia sư thì chưa có lớp nào phù hợp với em. Chỉ còn có lớp 5 mà em thấy mình dạy không nổi, chỉ dạy được cho mấy em nhỏ lớp 2. Vậy là số tiền đặt cọc bằng 40% lương đành nằm lại ở trung tâm gia sư. Khi nào có lớp học phù hợp thì người ta mới gọi đi dạy.
Chỉ mong về quê dạy em nhỏ
Nhắc đến chuyện tiền lương giáo viên mầm non, những cô giáo tương lai không khỏi bùi ngùi. Hỏi về quê hay ở lại thành phố, hầu như ai cũng nói về quê. Cô sinh viên Lệ Thu, ở Lâm Đồng nói em sẽ về nhà để dạy lũ nhỏ khuyết tật. Lúc trước, thi vào ngành Giáo dục đặc biệt là do em thấy thương một em nhỏ bị khiếm thính ở gần nhà.
Phải về nhà, bởi Thu còn bố mẹ ở quê. Bố bệnh đã mấy năm nay, không làm gì ra tiền. Còn mình mẹ cuốc vườn thuê cho người ta. Vậy mà mẹ em nuôi được cả mấy chị em đi học. Trừ người chị cả đi tu, còn lại 3 chị em gái cũng có trình độ từ trung cấp trở lên. Mỗi tháng, nhà gửi cho Thu khoảng 300-400.000 đồng. Bởi vậy, ngay khi lên thành phố học, cô bạn đã sắm ngay một chiếc xe đạp cà tàng để làm gia sư cho học sinh lớp 2.
Quê nhà của những nữ sinh này cũng đầy khốn khó. Như em Kim Trang, nhà ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Gia đình không sum vầy. Bố theo người khác, bỏ mẹ một mình nuôi 5 chị em. Đến lớp 10 thì mẹ mất vì suy kiệt. Trước khi ra đi, người mẹ còn gắng gượng nói ông bà ngoại ráng nuôi mấy đứa con được ăn học nên người. Thời phổ thông, cuộc sống của Trang còn gắn liền với xe bán bánh mì ở trước nhà. Ông bà ngoại già rồi, làm nông cũng không bao nhiêu tiền. Thế nên, ngoại bán đất nuôi mấy đứa cháu đi học.
Vậy mà 5 chị em không ai bị thất học. Hai chị của Trang đều học sư phạm, giờ đã ra trường. Chị lại tiếp tục thay ngoại nuôi em đi học. Mỗi tháng, Trang chỉ nhận khoảng 500.000 đồng của chị gửi vào. Bởi vậy, để có thể sống được ở thành phố này, Kim Trang xoay sở làm đủ việc từ gia sư, phát tờ rơi cho đến múa trong đám cưới.
Cuộc đời vốn nhiều trắc trở. Hy vọng rồi đây, những cô giáo mầm non tương lai sẽ vượt qua được những khó khăn để có thể theo nghề và sống với nghề “gõ đầu trẻ”…
Bài và ảnh: Hiếu Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây