Lại lên kế hoạch thanh tra ĐH Hồng Bàng!

TT - Tình trạng lạm thu, tăng học phí trong các cơ sở giáo dục, vấn đề Trường ĐH Hồng Bàng... là những nội dung được tập trung chất vấn tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ GD-ĐT diễn ra chiều 28-9 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.


Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Là trường công lập nhưng trường này được thu nhiều khoản “ngoài học phí”  - Ảnh: H.BÌNH
Trong cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng thông báo sơ bộ về một số nội dung khác như tình trạng học sinh bỏ học đầu năm học mới, những vấn đề sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Luật giáo dục. Ông Trần Quang Quý - chánh văn phòng Bộ GD-ĐT - cho biết trong số mười nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong tháng 10, bộ sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại một số sở GD-ĐT và trường ĐH, CĐ về tình hình triển khai nhiệm vụ năm học mới. “Đối với các sở GD-ĐT sẽ kiểm tra tình hình học sinh bỏ học, triển khai thực hiện “ba công khai” và thực hiện “ba đủ” đối với học sinh bao gồm “đủ ăn, đủ quần áo mặc, đủ sách vở” trong việc phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực năm học 2009-2010” do bộ phối hợp với một số bộ ngành, tổ chức khác thực hiện. Đối với khối ĐH, CĐ sẽ kiểm tra việc quản lý thu chi học phí mới và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh”- ông Quý cho biết.
Ngay sau đó, đại diện các báo đã tập trung chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện các vụ chức năng của bộ về hai chủ đề nóng đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay: tình trạng lạm thu tiền trường đầu năm học mới và những vấn đề xung quanh hoạt động của Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng.

Đề nghị sửa đổi 19 nội dung trong Luật giáo dục
Tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Kim Dung cho biết trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3-10, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi 19 nội dung liên quan đến 22 điều trong Luật giáo dục 2005. So với đề xuất ở kỳ họp Quốc hội trước, nội dung sửa đổi được đề xuất lần này tăng thêm chín vấn đề; trong đó quy định về sách giáo khoa đã được bổ sung. Ngoài ra còn có những vấn đề quan trọng khác như: đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, quản lý cơ sở giáo dục ĐH, kiểm định chất lượng giáo dục, hợp tác quốc tế trong giáo dục...
* Khung học phí mới chỉ áp dụng đối với các trường công lập, còn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập không bị ảnh hưởng gì từ khung học phí mới và được quyền tự quyết định mức học phí đã công bố?
Ông Nguyễn Văn Ngữ (vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính): Theo cơ chế tài chính giáo dục mà Chính phủ ủy quyền cho Bộ GD-ĐT xây dựng và trình Chính phủ sẽ áp dụng từ năm học sau (2010-2011) có quy định rõ hơn về học phí đối với đào tạo theo tín chỉ. Còn hiện nay chưa có quy định nên mức học phí theo tín chỉ do các trường tự xác định.
Học phí các trường ngoài công lập tăng so với con số đã công bố vì cuốn Những điều cần biết... làm từ tháng 3, nhưng đến tháng 5 mới có quy định về thực hiện “ba công khai”. Các trường không thực hiện được là do... quy định ban hành chậm(!). Trường tư thục theo Luật giáo dục được quyền quyết định mức học phí và tự chịu trách nhiệm với người học về mức thu đó. Còn cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phải công khai chất lượng để người học tự lựa chọn.
Nhưng bộ sẽ tổ chức đi kiểm tra việc các trường bị phê phán nhiều xem các trường đã thực hiện công khai tài chính, thu, sử dụng học phí như thế nào và sẽ xử lý những trường không làm đúng quy định.
* Vì sao Trường ĐH Hồng Bàng liên tục năm nào cũng phát hiện có sai phạm trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh..., thậm chí đã có kết luận thanh tra nhưng chưa bị xử lý? Cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng vẫn được mở ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh và còn được đổi tên thành “trường ĐH quốc tế”?
Ông Ngô Kim Khôi (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH): Tôi muốn nói rõ việc mở ngành của ĐH Hồng Bàng có ồ ạt, khuất tất, gây ngỡ ngàng như báo chí phản ánh không... Trước khi cho phép trường mở ngành như điều dưỡng, y sinh học, Bộ GD-ĐT đã thành lập đoàn thẩm tra, trên cơ sở thẩm định của Bộ Y tế mới quyết định cho mở ngành. Vì vậy việc mở ngành đào tạo của ĐH Hồng Bàng là chính xác, khoa học, đúng quy trình! Bộ chỉ có thẩm quyền cho mở ngành, còn đối với những ngành đào tạo như spa, võ thuật... là các chuyên ngành đào tạo. Việc mở chuyên ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng!


 * Vì sao Trường ĐH dân lập Hồng Bàng được đổi tên thành trường ĐH quốc tế: vì trường liên kết với quốc tế, đạt tiêu chuẩn quốc tế hay đó chỉ là tên gọi? Những trường ĐH khác nếu cũng muốn đổi tên, cho thêm chữ quốc tế vào cho dễ tuyển sinh thì có được phép không?
Bà Lê Thị Kim Dung (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế): Đổi tên trường ĐH do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo Luật giáo dục 2005, trường ĐH ngoài công lập không bắt buộc phải có chữ “dân lập”. Còn để có chữ “quốc tế”, Trường ĐH Hồng Bàng đã xây dựng đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành thẩm định...
Trong đề án, trường có giải thích là chương trình đào tạo có liên kết quốc tế, chất lượng đào tạo đạt chất lượng quốc tế... Các trường muốn đổi tên cũng phải thực hiện theo quy trình, đủ điều kiện thì được Chính phủ cho phép.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp báo, ông Trần Quang Quý khẳng định “những quy định và khoản thu của ĐH Hồng Bàng về đồng phục sinh viên, mũ bảo hiểm... là không thể chấp nhận được. Trước những dư luận phản ánh về Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch thanh tra trường. Tuy nhiên, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng xin được lùi đợt thanh tra thêm vài tháng để nhà trường tập trung chuẩn bị năm học mới. Vì vậy bộ sẽ sắp xếp kế hoạch thanh tra trường vào cuối năm nay”.
THANH HÀ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa