Tào Văn Nghệ - Với tôi cuộc sống không có điểm dừng...

(thongtin247) -

25 năm trong nghề khách sạn, đã từng nhận không biết bao nhiêu giải thưởng trong cũng như ngoài nước; được mệnh danh là “người có duyên với khách sạn cổ” khi đưa Sài Gòn Morin từ khách sạn ở hạng chót trở thành khách sạn 4 sao đứng đầu ở Huế và chỉ sau hơn 2 năm tiếp nhận, anh lại đưa Majestic trở thành khách sạn 5 sao đầu tiên trong hệ thống khách sạn quốc doanh. Nhưng anh vẫn cho mình chưa thành đạt bởi anh là người luôn đi tìm sự hoàn hảo trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, dù biết rằng đi tìm sự hoàn hảo là tự làm khó chính mình. Anh chính là Tào Văn Nghệ – Tổng giám đốc khách sạn Majestic. Với anh, “sống ngày hôm nay phải nghĩ ngay đến ngày mai và luôn luôn tiếp tục như vậy, không có một điểm dừng nào trong cuộc sống”.


Cái tôi có là tình cảm và một trái tim nóng bỏng

Đã từng gắn bó 5 năm với Morin và là người “thổi cơn gió mới” để vực dậy khách sạn Morin Huế, anh coi Morin như đứa con tinh thần của mình, vậy bước chuyển nào đã đưa anh về với Majestic?

Tôi là một cán bộ của Nhà nước, theo quy định luân chuyển cán bộ của Saigontourist thì tôi được phân công ra Huế để vực dậy Miron. Khách sạn Morin khi đó đang trong tình trạng thua lỗ, cơ sở xuống cấp. Bằng nghĩa vụ, trách nhiệm đã thôi thúc khiến tôi chấp nhận quyết định này. Tôi điều hành Morin từ năm 2000 đến năm 2005 thì trở lại để nhận nhiệm vụ ở Majestic. Suốt thời gian tôi làm việc ở Morin, bằng nỗ lực và quyết tâm của mình tôi đã vực dậy Morin, đưa Morin từ một khách sạn đứng ở dưới chót lên đứng đầu ở tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 3 sao lên được 4 sao và trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của khách hàng.

Trong suốt 5 năm phụ trách kinh doanh và quản lý khách sạn Morin ở Huế, nếu mà tôi không làm cho nó phát triển được thì có lẽ không ai giao Majestic cho tôi quản lý. Đó là điều kiện ắt có và đủ để tiếp quản Majestic. Phải là một người như thế nào để lãnh đạo Tổng công ty Sài Gòn cũng như các phòng ban ủng hộ lên tiếp quản Majestic. Bởi trao một viên ngọc vào tay một người nào đó, nếu nhầm thì viên ngọc đó không còn lấp lánh nữa mà nó sẽ mờ đi nhưng may mắn trao cho tôi thì viên ngọc càng tỏa sáng. Và hình như tôi có duyên với khách sạn cổ. Đến với khách sạn Majestic không phải là tôi chọn mà đó là yêu cầu của tổ chức, của công việc.

Một người giàu tình cảm như anh, khi đã chia tay chắc anh còn mang nặng một tấm lòng với Morin, với Huế?

Đúng vậy. Tôi đã được coi như người công dân của Huế, cho tới lúc này thì người dân xứ Huế vẫn coi tôi như một người con của Huế. Bây giờ nếu các bạn ra Huế, các bạn hỏi thì mọi người đều biết tôi. Khi tôi trở lại Huế thì ngay cả anh đạp xích lô, anh xe ôm cũng kêu lên: “Anh Nghệ, anh trở lại Huế hả?” Đó là niềm vui, là cái được của tôi. Cái có của tôi là tình cảm thương yêu đã nhận được từ bà con của Huế. Đó là sự đánh giá, sự thừa nhận những gì tôi đã đóng góp cho Huế, cho ngành du lịch Huế. Cho tới giờ này vẫn có nhiều người nhắn tin, viết thư cho tôi rằng: Sao anh ra đisớm thế, sao anh không ở lại giúp Huế một thời gian nữa? Hay ngay như các lãnh đạo của Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế từ anh Bí thư Hồ Xuân Mãn, đến anh Nguyễn Xuân Lý bây giờ đều nói: “Anh Nghệ không phải người Huế nhưng làm còn hơn người Huế”. Tôi đi nhưng cái mà tôi mang nặng trong lòng là tình thương của người Huế. Bởi cái tôi có là tình cảm và một trái tim nóng bỏng.

Cái anh có là tình cảm và một trái tim nóng bỏng, anh cho cũng nhiều và nhận cũng nhiều, anh nhận được nhiều nhất là từ nhân viên hay từ khách hàng?

Cả 2. Tôi nhớ cái ngày tôi tổ chức tiệc chia tay ở Morin, nhân viên đứng quanh ở ngoài sân vườn, họ khóc sướt mướt và tôi cũng không cầm được lòng. Tôi biết nước mắt chẳng giải quyết được vấn đề gì nhưng quá xúc động. Đến bây giờ ở Majestic cũng vậy, nhiều khi tôi tiếp xúc với nhân viên thì họ nói rằng họ ghen với Morin. Họ nói rằng anh quên Morin đi, bây giờ anh là của Majestic. Đó là điều bình thường thôi. Nhưng tôi làm sao quên được 5 năm ở đó. Nó là hơi thở, là nhịp đập của trái tim, là những ngày đổ mồi hôi, quằn lưng với nó. Có những ngày ướt sũng vì mưa, vì giá lạnh của Huế, làm sao tôi quên được. Tôi không phải là người bạc tình.

Ở Majestic bây giờ , anh em cũng biết rằng tất cả những gì tôi làm không phải vụ lợi cho bản thân, tôi làm hết sức mình, làm nhiều hơn anh em để nêu gương cho họ. Và họ ủng hộ tôi, họ thấy có động lực để cống hiến cho khách sạn. Tôi về Majestic đã được 2 năm và 5 tháng, cái tôi nhận được ở Majestic là sự thừa nhận của tập thể, những người đồng nghiệp, cộng sự của tôi và tất cả khách hàng trong cũng như ngoài nước.

Người ta thường nói làm kinh doanh thì phải có cái đầu lạnh và trái tim phải lạnh…

Trái tim phải nóng chứ. Tôi cho rằng trái tim phải nóng vì “khi trái tim nguội lạnh thì tất cả thành vô nghĩa”. Trái tim tôi không bao giờ nguội lạnh cả. Làm doanh nhân thì phải có một cái đầu tỉnh táo nhưng trái tim phải nóng hơn người thường vì phải yêu công việc, yêu nghề, yêu anh em đồng nghiệp, phải biết lo cho họ. Đồng thời phải gắn trách nhiệm của mình vào với xã hội, cộng đồng. Nếu anh chỉ lo cha bản thân anh thì anh không xứng đáng được gọi là “doanh nhân”.


Nhân viên là tài sản, khách hàng cũng là tài sản

Để thành công trong kinh doanh khách sạn, điều mà anh đã làm được với Morin và Majestic, theo anh người lãnh đạo cần có những phẩm chất gì?

Một người lãnh đạo phải có cái tâm, cái tầm. Thì người quản lý một khách sạn cũng phải có chiến lược, có tầm nhìn, phải biết khách sạn của mình đang ở đâu để chọn thị trường, chọn đối tượng phục vụ. Người lãnh đạo phải là một nhà chiến lược để nhìn thấy và vạch đường cho khách sạn. Và rõ ràng là phải có một đội ngũ nhân viên giỏi.



Vậy anh đã có những chiến lược gì để phát triển Majestic?

Lúc tôi mới được điều về Majestic, khi đó khách sạn là 4 sao, tôi đưa ngay ra khẩu hiệu: “Khách sạn 4 sao nhưng dịch vụ, chất lượng phục vụ phải 5 sao”. Như vậy mới có thể tồn tại và phát triển được. Muốn như vậy thì con người phải như thế nào? Có con người tuyệt vời mới phát triển được. Do đó tôi bắt tay vào sắp xếp, tổ chức đào tạo, nói cho anh em biết, chỉ cho anh em thấy cái định hướng của khách sạn. Tức là tôi phải đặt chiến lược lên trước một bước. Khi tôi đưa ra khẩu hiệu là khách sạn 4 sao, dịch vụ 5 sao thì anh em hiểu phải nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Hồi đó tôi nói với anh em rằng nếu năm 2007 mà Majestic không lên 5 sao thì chúng ta không thể nào cạnh tranh với các khách sạn xung quanh được. Majestic phải lên 5 sao thì mới tạo bệ phóng, tạo lực để nó tiếp tục phát triển. Chiến lược đã vạch ra như vậy, chúng tôi phải làm việc cật lực, phục vụ không kể không gian và thời gian, phục vụ vô điều kiện làm cho khách hàng có một cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Nụ cười phải luôn nở trên môi, phải sẵn sàng phục vụ khách, thấy khách như thấy người yêu, như thấy người nhà của mình vậy. Chúng tôi không bàng quan với khách, khi khách họ nhỉ mũi thì chúng tôi giật mình, khi khách đau bụng thì chúng tôi nhức đầu.

Quan điểm của tôi là phải làm cho mọi người nhận thức được điều đó, làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng, làm cho họ cảm nhận được đây là địa chỉ đáng tin cậy, là nơi mà lần sau họ sẽ quay lại và họ sẽ giới thiệu Majestic cho nhiều người khác. Đó cũng là niềm vui lớn nhất của tôi.

Năm 2008 chúng tôi đã đặt nền móng hết cả rồi. Hợp đồng, cơ sở vật chất, chiến lược như thế nào tôi đã có hết rồi. Năm 2008 chúng tôi sẽ làm được vì tôi có cơ sở Qua hơn 2 năm rồi, tôi như con tằm nhả tơ, rút hết ruột gan để cho Majestic đi lên. Majestic mãi mãi phải đi lên. Và chúng tôi đã có những bước đi tốt đẹp, sự phát triển hết sức bền vững. Năm 2008 chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn.

Như anh nói muốn thành công thì cần phải có một đội ngũ nhân viên giỏi, bí quyết gì đã giúp anh có một đội ngũ nhân viên như hiện nay?

Ai cũng biết con người là mối tổng hòa của xã hội nên việc quản lý con người vô cùng khó. Nhưng tôi có điều kiện, chúng tôi có sự đồng thuận vì mục tiêu đưa Majestic đi lên. Do đó chúng tôi dần dần khắc phục được những khó khăn. Tôi đã đưa ra câu Slogan: “We are in the same boat” mà tôi dịch ra là “Chúng ta chung một con thuyền, cùng nhau vững lái tới miền yêu thương”. Tôi nói với anh em rằng chúng ta chung một con thuyền thì mọi người phải cùng chèo và chèo về cùng một hướng, người nào chèo ngược lại thì sẽ bốc người đó bỏ xuống biển. Vì chèo ngược lại là đi ngược lại với lợi ích chung.

Khi mới về đây, sơ kết 6 tháng năm 2005, tôi nói trong hội nghị rằng năm 2006 chúng ta sẽ vào câu lạc bộ 100 tỷ. Mọi người ở dưới nói: gì mà dữ vậy anh? Họ không tin, cao lắm cũng chỉ tám, chín chục tỷ. Nhưng tôi đã làm được, cuối cùng chúng tôi làm được 113 tỷ 480 triệu. Vì vậy tôi mới nói tôi truyền cho anh em cái niềm tin, và truyền cho họ một ngọn lửa để lúc nào họ cũng cảm thấy trong lòng rạo rực, muốn cống hiến, muốn làm việc góp phần đưa Majestic đi lên. Bất cứ một người nào né tránh công việc họ sẽ tự cảm thấy xấu hổ với cả một động lực chung của tập thể đi lên.

Chúng tôi quyết tâm và dần dần anh em hiểu được tất cả sự chỉ đạo của tôi đưa ra là nhằm mục đích mang lại lợi ích chung chứ không phải cho riêng tôi hay ai khác. Họ ý thức được rằng doanh thu tăng lên thì thu nhập của họ cũng tăng lên, đời sống họ được cải thiện. Muốn được như vậy thì họ phải bỏ sức lao động của chính mình chứ không ai có thể làm thay họ được. Chúng tôi đánh giá cao, thừa nhận sự đóng góp của từng cá nhân, từng con người một, chúng tôi không cào bằng tất cả. Chúng tôi thấy ai làm được việc gì có lợi cho khách sạn, có lợi cho khách là chúng tôi vỗ tay hoan nghênh và thưởng cho họ.

Cho nên tôi quan niệm rằng nhân viên là một nguồn tài sản quý giá của khách sạn, bên cạnh khách hàng là tài sản quý giá của chúng tôi. Vì vậy tôi hết sức cố gắng, nhân viên cũng là tài sản, khách hàng cũng là tài sản. Hai nguồn tài sản đó tôi phải chăm sóc, phải lo toan, phải hết sức bảo vệ. Mà tôi quên đi cái nào là tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Tôi như người nghệ sĩ phải làm tròn vai diễn của mình vừa đối với khách hàng, vừa đối với nhân viên. Tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là tiếp tục truyền niềm tin cho anh em.


Không có điểm dừng trong cuộc sống



Đúng như mục tiêu đã đặt ra, Majestic đã trở thành khách sạn 5 sao vào đầu năm 2007, hẳn anh đã thỏa mãn với những gì mình đã đạt được?


Tôi rất vui nhưng vừa tự hào lại vừa lo. Tự hào vì đã được xã hội thừa nhận, cộng đồng, khách hàng thừa nhận. Lo là vì không biết mình có xứng đáng với sự thừa nhận đó không, và có thể tiếp tục nhận được sự tín nhiệm đó nữa hay không? Hai năm qua chúng tôi đã đạt mục tiêu của mình, nhưng chúng tôi còn hàng loạt việc để làm. Chúng tôi không bao giờ thỏa hiệp với những gì đã có. Trong nghề khách sạn này phải luôn luôn đổi mới, luôn làm cho khách hàng cảm nhận có một sự chăm sóc tỉ mỉ, chi tiết. Hơn nữa Majestic không chỉ là một khách sạn đơn thuần mà nó làm một di sản. Chúng tôi không bao giờ để nó mãi như thế này. Chúng tôi không bao giờ đứng yên một chỗ, chúng tôi phải tiến lên vì nếu không sẽ bị tụt lùi. Tôi luôn đi tìm sự tuyệt hảo.

Trong cuộc sống cái gì cũng chỉ tương đối, còn anh đi tìm sự tuyệt hảo, phải chăng anh đang làm khó chính mình?

Đúng như vậy, tôi mãi đi tìm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Có người nói với tôi là anh đã thành đạt rồi thì dừng lại đi. Nhưng không, tôi chưa phải là người thành đạt. Có thể tôi thành, thành người rồi nhưng chưa đạt được những gì tôi mong muốn, tôi đang đi tìm sự tuyệt hảo chứ chưa phải thành đạt.

Tôi không bao giờ cho phép mình dừng lại cả và không bao giờ tôi dừng lại. Hôm nay tôi làm được việc này thì tôi phải nghĩ ngay đến vấn đề sẽ làm tiếp theo là gì, cho nên Trịnh Công Sơn mới có câu: “Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng” là như vậy. Hôm nay chúng ta làm phải nghĩ đến ngày mai, phải tiếp tục như vậy, không có một điểm dừng trong cuộc sống.

Trong kinh doanh thì như vậy, còn trong cuộc sống anh có định tìm cho mình một điểm dừng không hay anh cũng muốn đi tìm sự hoàn hảo?

Trong kinh doanh là như vậy thì trong cuộc sống cũng thế. Trong tình cảm gia đình cũng như bạn bè, tình đồng nghiệp cũng vậy, lúc nào tôi cũng muốn tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng những nhà kinh tế, những nhà quản trị không ai khuyên những doanh nhân thôi dừng lại ở đó là đủ. Anh làm ra của cải càng nhiều cho xã hội, làm giảm sự đau thương, nghèo khó của nhiều người thì càng được xã hội tôn vinh. Chúng ta phải ý thức được vai trò của một doanh nhân trong xã hội. Làm ra nhiều của cải vật chất, giải quyết được nhiều công an việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho người lao động đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là đạo lý của người doanh nhân.

Quan điểm của tôi là như vậy nên chúng tôi không có điểm dừng, tôi mãi đi tìm sự tuyệt hảo. Và tôi sợ rằng mình không đủ sức lực để đi tìm cái đó. Dĩ nhiên lúc nào còn đi được thì tôi vẫn tiếp tục hành trình này.


Kinh doanh cũng cần có một tâm hồn nghệ sĩ



Nếu tự họa về bản thân thì anh thấy mình là một người như thế nào?


Một người rất có trách nhiệm với công việc, hết sức thương yêu cộng sự và có tấm lòng bao dung. Tôi nhìn thế này thôi chứ trong lòng mềm yếu lắm. Nhiều khi coi một vở kịch mà có cảnh bi là tôi lại khóc. Tôi dễ xúc cảm có lẽ là tôi dành cho con người rất nhiều tình yêu thương. Đến bây giờ cũng vậy, khi ngồi coi một vở cải lương nhiều khi tôi cũng khóc, tôi thấy mình yếu mềm.

Không chỉ là một người có tình thương và trách nhiệm, anh còn là một người lãng mạn, theo anh một doanh nhân có cần sự lãng mạn?

Có chứ, nhất là lại kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn như tôi. Doanh nhân chúng tôi chính là những nghệ sĩ trên sân khấu - thương trường. Hàng ngày chúng tôi hoạt động là để hoàn thành vai diễn của mình, theo phân vai thì mọi người phải diễn cho xuất sắc để làm cho khán giả là những khách hàng phải say với những vai diễn của mình.

Người lãnh đạo không có tâm hồn nghệ sĩ, không có tâm hồn bay bổng thì không bao giờ tạo ra được một khách sạn đẹp cả. Tất cả ánh sáng, âm nhạc, màu sắc, thảm trang trí hay bàn ghế phải được sắp xếp để tạo ra cái hồn. Ngay cả bức tranh trên tường chúng tôi cũng phải lựa chọn, chăm chút sao cho nó hài hòa nhất. Đó là nghệ thuật và đòi hỏi người lãnh đạo phải có tâm hồn nghệ sĩ. Tức là phải tạo ra một không gian lãng mạn để tạo ra sản phẩm riêng của mình, làm cho sản phẩm của mình không lẫn với các khách sạn khác. Đến với Majestic, khách hàng sẽ cảm nhận được sự tinh tế, lãng mạn và ấm cúng. Vì thế, Majestic đã được tạp chí The Guide bình chọn là khách sạn ấm cúng. Còn có người nói rằng tôi đã thổi hồn vào Morin và Majestic.

Cho nên nói gì thì nói, doanh nhân cũng phải có chút lãng mạn, có chút tâm hồn nghệ sĩ, phải để cho tâm hồn mình bay bổng. Có như thế thì mới có những suy nghĩ phong phú.

Phải chăng chính sự lãng mạn, tinh tế và tâm hồn nghệ sĩ ấy đã giúp anh thành công với những khách sạn cổ?

Thực ta một số bạn bè, đồng nghiệp của tôi nói rằng tôi có duyên với khách sạn cổ. Còn tôi thì thấy kinh doanh khách sạn cổ có niềm vui của nó. Khách sạn cổ ở Việt Nam giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng có cả một quá trình lịch sử. Được giữ gìn, phát huy và tôn tạo những giá trị lịch sử của nó là niềm vui đối với những doanh nhân, những người quản lý khách sạn như tôi.

Đối với tôi cái thứ nhất là được gìn gữ, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử của những khách sạn cổ để kinh doanh. Thứ hai, khi khách hàng người ta đến một khách sạn cổ người ta đánh giá anh ngoài là một doanh nhân, anh còn là một nhà sử học, một nhà bảo tồn, một người gìn giữ di sản. Điều đó có nghĩa là họ đánh giá cao công sức của mình. Và điều đó là điều mà tôi tâm đắc.

Cho nên bây giờ ai giao cho tôi khách sạn cổ là tôi OK ngay (cười)…

Phước Hà - Nguyễn Hương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa