Ảnh minh họa
Vì sao sinh viên không thích học "gần nhà"?
“Bụt chùa nhà không thiêng”
Đăng ký thi vào Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội nhưng Nguyễn Thị Hoa (Bình Lục, Hà Nam) chỉ đạt 16 điểm (khối D1). Không đỗ NV1, Hoa đang tìm cơ hội cho mình ở NV2. Trong khi đó, Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Hà Nam, rất gần nhà dù chỉ lấy điểm xét tuyển khối A và D1 là 13 (bằng điểm sàn) nhưng Hoa vẫn không đăng ký. Bạn cho rằng, học đại học địa phương ra “khó xin việc”.
Cách nghĩ này của Hoa cũng là của rất nhiều thí sinh ngoại tỉnh khác. Hoàng Đình Tùng, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình không đỗ NV1 vào Trường ĐH Giao thông Vận tải nhưng hoàn toàn “lạnh nhạt” với Trường ĐH Hoa Lư, vốn ở ngay sát nhà. Tùng đang chờ các trường Hà Nội thông báo xét tuyển NV2, trường nào đủ điều kiện, Tùng sẽ nộp hồ sơ.
Mùa tuyển sinh năm nào, các trường đại học địa phương cũng đều ít nhiều gặp khó khăn để “gọi” đủ số thí sinh cần thiết. Dù đã được Bộ GD&ĐT đồng ý cho áp dụng khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh (Điều 33, Quy chế Tuyển sinh) nhưng các trường vẫn thiếu trước hụt sau. Năm nay, đã có 10 trường kiến nghị Bộ xem xét vấn đề này như: Trường ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk), Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ), Trường ĐH Yersin (Lâm Đồng), Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), Trường ĐH Quảng Bình, Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang)…
Theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Yersin (Lâm Đồng) - Phan Nam, từ khi thành lập đến nay (2004), năm nào trường cũng xin áp dụng cơ chế này nhưng vẫn thiếu khoảng 20% chỉ tiêu được giao. Tại Trường ĐH Tây Nguyên, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo cũng cho biết, chưa năm nào trường lại “thu hoạch” được con số đáng buồn như năm nay. Có ngành, hàng trăm thí sinh đăng ký dự thi nhưng không có thí sinh nào đạt điểm sàn. Trường đang đề nghị Bộ GD&ĐT nâng mức chênh lệch điểm ưu tiên giữa các đối tượng lên 1,5 điểm thay vì 1 điểm như trong Quy chế. Rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh 2008, Trường ĐH Võ Trường Toản sẽ thông báo cho thí sinh có khả năng trúng tuyển ngay khi nhận hồ sơ xét tuyển NV2 vào ngày mai (25/8), sau đó thông báo nhập học sớm và tranh thủ xét NV3. Năm 2008, trường không có thí sinh nào trúng tuyển NV1.
Vì sao thí sinh chê “trường nhà”?
Năm nay, có 137 trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi. Những trường này thường là trường ngoài công lập và trường đặt tại địa phương. Điểm xét tuyển của các trường được tính từ điểm sàn của Bộ. Nhưng dù vậy, các trường vẫn xin được áp dụng Điều 33, Quy chế Tuyển sinh để hạ “sàn” mới mong đủ chỉ tiêu. Không những thế, ngay cả một số ngành sư phạm của một số trường, điểm chuẩn đầu vào cũng rất thấp. Điển hình như Khoa Sư phạm Toán, Lý của Trường ĐH Hùng Vương, điểm chuẩn chỉ là 13,5; Sư phạm Toán, Lý của ĐH Quảng Bình là 13; Sư phạm Sinh là 14. Ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Kỹ thuật Hưng Yên cũng nhận hồ sơ xét tuyển từ mức sàn. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) xét NV2 ngành Sư phạm Tin, Sư phạm Tâm lý giáo dục (khối A, B) cũng chỉ từ 14 điểm, Sư phạm Giáo dục công nghệ (khối A) từ 13 điểm...
Điểm đầu vào thấp tuy không hoàn toàn tỷ lệ thuận với chất lượng đầu ra nhưng ít nhiều cũng khiến người ta băn khoăn về trình độ chuyên môn của các thầy cô giáo tương lai, sau 4 năm học đại học ở “trường tỉnh”. GS Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Bắc Hà, cho rằng, những thí sinh đạt điểm sàn của Bộ trở lên là có khả năng học đại học. Điều này có thể đúng nhưng cũng có thể chỉ là một cách lập luận của các trường để biện hộ cho việc cố tuyển đủ chỉ tiêu bằng mọi giá. Và hệ quả đáng buồn “hậu tuyển sinh” những năm gần đây là năm nào cũng có trường bị xử phạt về việc “xé rào”. Cũng cần nói thêm rằng, rất nhiều trường đại học địa phương không chỉ khó khăn trong việc “tuyển” trò.
Thực tế, có nhiều trường thông báo đội ngũ rất hoành tráng nhưng khi kiểm tra, “bói” cả trường mới ra một hai ông tiến sĩ. Các trường này chủ yếu vẫn phải sử dụng các giảng viên thỉnh giảng “chạy sô” từ các trường đại học lớn ở Hà Nội hay TP. HCM. Tuy nhiên, như thừa nhận của một quan chức ngành giáo dục, vấn đề này không dễ giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai. Điều đáng an ủi duy nhất có thể nhận thấy là hầu hết các trường đại học địa phương đều có cơ sở vật chất không đến nỗi tồi. Mà nếu chỉ có khả năng đáp ứng được nguồn lực vật chất thì xem ra, câu chuyện thí sinh chê trường “nhà” vì thương hiệu kém cũng là điều dễ hiểu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây