Vào năm 1940, cậu bé Warren Buffett khi đó mới mười tuổi, được cha tặng một món quà sinh nhật đặc biệt – chuyến viếng thăm thành phố New York. Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa thường sẽ thích đến rạp xiếc hay thăm quan vườn thú thì cậu bé Warren lại chỉ muốn đến Phố Wall.
Trong khi tham quan sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), cậu bé cố sức gặp bằng được Sidney Weinberg, thành viên chủ chốt của quỹ đầu tư Goldman Sachs và “lôi kéo” ông nói chuyện.
Khi sắp kết thúc cuộc trò chuyện, Weinberg vòng tay ôm lấy cậu bé và hỏi thân mật: “Thế cậu thích cổ phiếu nào, Warren?”. Và bắt đầu từ giờ phút đó, người ta sẽ còn nhiều lần phải đặt câu hỏi tương tự với Warren Buffett.
Sáu mươi tám năm sau đó, tạp chí Forbes danh tiếng đã xếp Warren Buffett ở vị trí người giàu nhất hành tinh (theo số liệu ngày 11/2/2008). Ông vừa công bố khoản đầu tư 5 tỉ đôla vào tập đoàn Goldman Sachs, khoản tiền khổng lồ này sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của cả tập đoàn cũng như hứa hẹn những gia tăng đáng kể cho khối tàn sản kếch sù của Warren.
Những thông tin xung quanh Warren Buffett luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt, đến mức The Snowball (tạm dịch: Nắm tuyết) – một cuốn tiểu sử được nhân vật chính hết sức nhiệt tình cộng tác, chắc hẳn sẽ trở thành một tâm điểm của dư luận, bất chấp việc nó cũng chỉ góp phần trả lời những câu hỏi không lấy gì làm phức tạp xung quanh con người huyền thoại này.
Cuốn sách chạm tới con người Warren Buffett một cách đầy nghiêm cẩn, bao quát trên diện rộng và hứa hẹn một câu chuyện dài hấp dẫn.
Ông Warren Buffett đã có một quyết định khôn ngoan khi lựa chọn Alice Schroeder làm người chấp bút cho cuốn tiểu sử của mình. Quả đúng như vậy, ông đã tìm thấy một người cộng tác đáng tin cậy dựa trên mối quan hệ cá nhân rất nồng ấm.
Hơn hết, ông tìm thấy một cây viết có khả năng bám sát những chuyển ngoặt bất ngờ khó dự đoán trong câu chuyện Buffett cũng như những chi tiết rắc rối trong “đế chế” Berkshire Hathaway…vv…
Nhìn vào bức ảnh ở ngay trang 2 của cuốn sách, người ta thấy cậu bé Warren Buffett toét miệng cười khó hiểu trong khi ôm chặt một món đồ chơi vào sát ngực mình. Chỉ riêng hình ảnh đó thôi, không phải thuyết giảng dài dòng, đủ thể hiện rằng Warren Buffett là một đứa trẻ khác thường.
Warren Buffett bị ám ảnh bởi những con số tính toán và các nghiên cứu bí mật. Trong một nhà thờ ở Omaha, Warren mải mê tính toán và so sánh tuổi thọ của những người sáng tác thánh ca. Ở trong một bệnh viện Cơ đốc giáo La Mã, sau một ca phẫu thuật viêm ruột thừa, Warren chăm chú thu thập vân tay của các y tá và lưu trữ, trong trường hợp ai đó trong số họ có phạm tội ác.
Warren Buffett bắt đầu tham vọng kiếm tiền từ năm lên 6 tuổi và cậu bé khi đó đã tích trữ những khoản tiền riêng. Nhìn vào 1 đô la, cậu ta có thể nhìn ngay ra 10 đôla khi đồng tiền đó sinh sôi nảy nở. (Warren Buffett trì hoãn những hoạt động từ thiện cho đến những năm tháng tuổi già của mình, có vẻ là vì những lí do như vậy).
Đến năm 14 tuổi, chỉ nhờ việc đưa báo, cậu bé Warren Buffett đã “đủ tư cách” để đóng một khoản thuế 7 USD, và cậu khấu hao chiếc đồng hồ và xe đạp của mình như một khoản chi phí kinh doanh.
Chắc chắn là Warren Buffett khi đó là học sinh duy nhất ở trường cấp 3 sở hữu cả một trang trại cho thuê và kiếm được nhiều tiền hơn cả giáo viên của cậu. Sau đó, “ trường học chỉ khiến tôi trì trệ hơn mà thôi ” – ông nhớ lại.
Vì thế mà Warren đã ghi tên vào học trường kinh doanh Wharton (thuộc đại học Pennsylvania), ở đó, cậu được chú ý vì những trò đùa tai quái và những thói quen luộm thuộm, chẳng kém gì sự nổi tiếng có được do sự chín chắn già trước tuổi.
Một bước ngoặt xảy đến khi Warren bị trường kinh doanh Harvard từ chối, sau đó, cậu quyết định ghi danh vào trường Columbia. Một trong những giáo sư ở đó là Benjamin Graham – tác giả của The Intelligent Investor (tạm dịch: Nhà đầu tư thông minh).
Graham trở thành bậc tiền bối dày dặn kinh nghiệm và hình mẫu hướng tới của Warren. Người ta hẳn sẽ ấn tượng với những ý kiến phân tích chứng khoán của Graham “Phản ứng của Warren chính là kiểu của một kẻ mới bước ra từ hang động tăm tối – nơi anh ta đã sống cả cuộc đời, chói mắt trước tia sáng mặt trời khi mới lần đầu tiếp xúc với hiện thực rờ rỡ.”
Những nỗ lực siêu phàm mà Warren bỏ ra nhằm đánh hơi những công ty bị đánh giá thấp cũng được áp dụng triệt để trong cuộc sống riêng tư. Không có cách nào lọt vào mắt xanh của quý cô Susan Thompson, Warren chuyển sang chinh phục ông bố của nàng, kết quả là cuối cùng, cô gái đã trở thành bà Susan Buffett.
Trong mắt ba đứa con của vợ chồng Buffett, hình ảnh người cha Warren Buffett xa cách hiện lên với những miêu tả như thế này: “cha ngồi im lặng, không vướng bận đến ai, khoác chiếc áo choàng tắm và mắt dán vào tờ The Wall Street Journal mỗi khi ngồi ở bàn ăn sáng”.
Thế nhưng người cha của ba đứa con này lại luôn biết cách làm cho những nghiên cứu của ông sinh lời một cách ngoạn mục. Chỉ đến khi Susie Buffett tình cờ đánh rơi những tờ séc ghi cổ tức xuống lò đốt rác và cuống quýt nhặt lại, bà mới nhận ra chồng mình kiếm được nhiều tiền đến mức nào.
The Snowball (tựa đề sách giúp liên tưởng đến cách thức mà Warren Buffett thực hiện để khiến mọi thứ trở nên to lớn hơn) theo dấu những phi vụ làm ăn táo bạo của Warren Buffett mà không hề bị sa vào mô típ kể chuyện nhàm chán kiểu liệt kê “và rồi ông ấy mua lại…”.
Một phần sự sống động mà cuốn sách có được đến từ những nhân vật hăm hở thái quá hay nhặt nhạnh ki cóp từng xu – những đối tượng mà quý ngài Buffett rất thích thao túng. Câu chuyện về sự khởi sắc trong sự nghiệp làm ăn của Buffett cũng chính là câu chuyện về sự bon chen để thăng tiến trong xã hội, mặc dù Buffett vẫn luôn tạo ra ấn tượng là một người bình dân có học thức.
Hay cuốn sách cũng không ngại ngần đi vào chi tiết mối quan hệ nam nữ không lấy gì làm chính thống giữa Warren Buffett với Katharine Graham của tờ Washington Post.
Trong suốt cuộc đời của mình, bất luận hoàn cảnh nào, Warren Buffett luôn cần đến thức ăn, nước uống và sự chăm sóc từ những người phụ nữ. Ông cưới Susie (về sau là Astrid Menks) và bao quanh mình bằng một nhóm những người đàn bà thân cận.
Cuốn sách The Snowball còn đem lại rất nhiều những câu chuyện thú vị về những nhân vật đầy quyền năng nổi tiếng, trong dó có thể kể tới Akio Morita – đồng sáng lập hãng điện tử Sony, hay Bill Gates – ông chủ vừa mới rời nhiệm sở Microsoft – người mà Warren Buffett vẫn luôn coi là bằng hữu tâm giao.
Hay chắc hẳn không thể thiếu được những câu chuyện về các thương vụ thể hiện sự chen chân ngoạn mục của Warren Buffett, mà giờ đây trở thành những câu chuyện “ngụ ngôn” đúng lúc đúng chỗ đáng kinh ngạc.
Ví như, tác giả Schroeder cung cấp những thông tin cặn kẽ về sự can dự bất đắc dĩ của Warren Buffett trong vụ việc tập đoàn Salomon Brothers trên bờ vực phá sản vào năm 1991, giờ đây sự vụ đó lại trở thành bài học xương máu về mối hiểm hoạ của việc phá vỡ quy tắc, sự bấp bênh của những vấn đề có thể phát sinh và những nguy hiểm gặp phải khi chung tay cùng chính phủ giải cứu các định chế tài chính.
Trong khi nỗ lực xây dựng một hình ảnh rõ nét về Warren Buffett, The Snowball không hề tuyên bố to tát về vai trò quan trọng của ông. Chỉ với những câu chuyện tiếp nối câu chuyện, tác giả Schroeder đã khiến hình ảnh người giàu có nhất hành tinh hiện lên đầy sống động.
Với những gì đã thu thập được, cô đã có thể khẳng định “Sẽ không có nhóm cổ đông nào trong lịch sử nhớ nhung vị giám đốc điều hành của mình nhiều như những cổ đông ở Berkshire nhớ đến Buffett khi ông ra đi.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây