Du lịch Ninh Thuận


Ninh Thuận là một tỉnh cực Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, Phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, nằm ở vị trí trọng điểm giao thông dọc quốc lộ 1 A, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 27 đi lên Tây Nguyên. Diện tích đất tự nhiên 3.360,06 Km2 . Lãnh thổ được bao bọc 3 mặt núi : Phía Bắc và phía Nam là 2 dãy núi cao lan ra sát biển, phía Tây là vùng núi cao của tỉnh Lâm Đồng.

Có 3 dạng địa hình: Miền núi, đồng bằng, và vùng ven biển. Bao gồm thị xã Phan Rang và bốn huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước, Bác Ái.

Ninh Thuận được tạo hóa ban cho nhiều thắng cảnh, cùng với những khu di tích văn hóa lịch sử mang đậm màu sắc dân tộc, những làng nghề truyền thống và các loại đặc sản... Đã từ lâu, nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng của biết bao du khách trong và ngoài nước.



Nếu Phan Thiết nổi tiếng với cồn cát Mũi Né thì Ninh Thuận lại tự hào với vẻ đẹp của cồn cát Nam Cương. Những đồi cát mịn màng nối nhau tạo thành nhiều thung lũng cát gợn sóng với hình thù lạ mắt. Tô điểm cho màu vàng của cát là màu trắng của những chùm hoa xương rồng bình dị. Vẻ đẹp của xương rồng như sự cần cù chịu khó của người dân xứ cát để làm nên cuộc sống sinh sôi.

Ninh Thuận có nhiều bãi biển đẹp. Cách Phan Rang 30km về hướng nam là bãi Cà Ná nên thơ và hấp dẫn. Những mỏm đá lô nhô đủ hình thù kỳ thú, từng đợt sóng đùa giỡn với đá tung bọt trắng xóa giữa biển trời lồng lộng. Du khách không khỏi trầm trồ khen ngợi và thường dừng chân để chiêm ngưỡng, chụp hình. Có thể leo núi, tắm biển và thưởng thức các đặc sản biển. Ngoài ra cũng có thể thăm các danh thắng như hang ông Phật, ghềnh Ông Nồng, giếng Đục, núi Bạc...

Và Ninh Chữ nổi tiếng là một trong 9 bãi biển đẹp nhất nước thuộc huyện Ninh Hải, cách Phan Rang 6km về phía đông, trải dài 10km trên bờ biển bằng phẳng, uốn mình vòng cung theo hàng dương mơ mộng. Ba cụm nhà hàng- khách sạn Ninh Chữ và những bungalow xinh xắn, tiện nghi ẩn mình trong rừng dương với đầy đủ các dịch vụ để phục vụ du khách.

Từ đây, du khách có thể tỏa đi tham quan nhiều nơi: ngắm cảnh sơn thủy hữu tình ở đầm Nại, thăm thác Sakai kế chân đèo Ngoạn Mục và Nhà máy thủy điện Đa Nhim, đến vịnh Vĩnh Hy chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, leo núi, cắm trại, câu cá... Cảm giác hòa mình với thiên nhiên bao la, tận hưởng không khí trong lành mát rượi thật tuyệt vời. Có thể đi thuyền, ca-nô thăm chiến khu CK19 từng gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của quân và dân Ninh Thuận. Và bẫy đá Pi Năng Tắc, nơi tháng 8-1961 du kích Raglai đã phục kích địch dưới sự chỉ huy của Pi Năng Tắc với 17 chiếc bẫy liên hoàn đặt cách nhau 20m trên triền núi cao để bảo vệ buôn, rẫy... Và còn rất nhiều cảnh quan đẹp, những bãi cát trắng mịn, những dãy núi đá chót vót, hang động kỳ bí và âm thanh ầm ào bất tận của những thác nước hùng vĩ, rừng cây ngút ngàn và những cánh đồng lúa, ngô, vườn nho, bông vải tươi tốt...



Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, Ninh Thuận còn là nơi có nhiều di tích của nền văn hóa Chămpa từng gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất này. Chữ viết, ngôn ngữ, trang phục, dệt thổ cẩm và nghệ thuật ca múa dân gian là những di sản văn hóa quý báu mà nơi đây còn lưu giữ. Những lễ hội của người Chăm như khai mương, đắp đê, mừng lúa non, mùa gặt, mừng cơm mới... luôn hấp dẫn du khách. Đặc biệt tục thờ cá voi (cá Ông) ở các tỉnh ven biển ngày nay được bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Chăm. Katê (tưởng niệm đấng cha) là lễ hội lớn và vui nhất diễn ra vào ngày 1-7 Chăm lịch (tức tháng 8- 9 âm lịch) để tưởng niệm tổ tiên, các anh hùng dân tộc, các vị thần cùng vua Poklong Garai và Pôrôme. Đến đây trong những ngày này, du khách được chứng kiến nghi lễ thỉnh y phục, tế lễ, tắm rửa và thay phục cho tượng Poklong Garai- vị vua có công chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Những vũ điệu Chămpa đặc sắc càng làm cho các lễ hội thêm cuốn hút. Lễ Chabun (tưởng niệm đấng mẹ) tại tháp Poklong Garai hay đền Ponagar vào tháng 10 Chăm lịch là lễ tạ ơn Thần mẹ Ponagar đồng thời là lễ cúng Thần Đất để cầu xin mùa màng tốt hơn...

Ngoài ra còn có nhiều sinh hoạt mang bản sắc văn hóa khác như Lễ Đền ơn cha mẹ của người Raglai. Đối với người Raglai, bất hạnh lớn nhất là cha mẹ qua đời mà chưa kịp đền ơn nên khi cha mẹ già yếu, con cái phải lo lễ vật, mời họ hàng, buôn làng đến dự lễ. Họ cúng Giàng, tổ tiên và những người đã khuất, sau đó người con dâng các món ăn ngon nhất lên cha mẹ, mời bà con hưởng lễ và tổ chức múa hát vui chơi tỏ lòng hiếu kính. Bạn cũng có thể ghé thăm làng Chăm để tìm hiểu cuộc sống và nét đặc trưng văn hóa qua nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Rồi có thể mua vài sản phẩm thổ cẩm xinh xắn để lưu lại chút kỷ niệm cho mình hay làm quà cho người thân sau chuyến ghé thăm Ninh Thuận.

dengionninhchu.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa