Tôi đã nhìn mẹ với cái nhìn khác hẳn khi mang những đồng lương đầu tiên về nhà. Tôi đã làm tất cả những gì có thể, thậm chí, cắn răng trước những ánh đèn màu để quay về căn nhà âm thầm này...
- Đây là tiền của con, mẹ ạ!
- Chúng nó bảo với tao ở ngoài chợ rằng mày phải thi lại!
- Chúng nó ghen tị! Hơn nữa phải chọn lấy một thứ thôi mẹ!
- Rồi mày hỏng mất thôi, con ơi...
Mẹ rên rỉ rồi đi vào buồng. Ở trong đó mẹ sẽ đếm lại tiền, cất vào tủ khóa lại. Chìa khóa giấu vào nơi nào đó. Ngày xưa mẹ bỏ ông bà ngoại theo nghề thầy thuốc, và mẹ bỏ nghề để đi theo bố. Bây giờ thời gian cùng rất nhiều điều vụn vặt làm mẹ đổi khác. Đến giọng nói cũng trở nên cay đắng và buồn phiền. Nhưng cái ngông nghênh bướng bỉnh mẹ để lại cho tôi, còn cái gì bay bổng đẹp đẽ nhất thì anh Hải xin mẹ nốt.
Tôi là đứa vừa nhiều khao khát vừa xấu xa, đứng bên anh Hải như cái gai cạnh bông hồng. Nhưng anh Hải trượt đại học, ở nhà mở cửa hiệu sửa xe đạp, tối ngày cúi gập tấm lưng dài, vắt vai chiếc khăn cũ, mặt chẳng bao giờ ngửa được lên. Tôi có lần lỡ miệng nói một câu. "Người như anh mà lại ra thế. Rõ là trời không có mắt!". "Trời có mắt đấy!" Anh lau tay vào cái khăn cũ rồi tát cho tôi một cái. "Con ranh con, mày khôn ngoan với cả tao à?". Tôi ôm mặt nức lên, vừa đau vừa hận. Anh ấy với tôi sao giống hai con gà chọi, ai mạnh cái gì thì dùng cái ấy!?
Tôi huýt sáo, thọc hai tay vào túi quần đi lại trong phòng, bước chân ngạo mạn. Như một đứa con trai, như một ông chủ! Vì tôi đã mang tiền lương về đây! Mẹ nhẫn nại xếp chén lách cách dưới bếp, tiếng bát đĩa chạm vào nhau buồn tủi. "Mẹ, từ nay mẹ bỏ gánh hàng đi, chúng con sức dài vai rộng - Tôi liếc anh Hải - Mỗi đứa đóng góp một ít cũng đủ!". "Tôi cũng chỉ từ đây mà nuôi anh chị lớn lên!" Mẹ khép cánh cửa sau lưng, trả lời mệt mỏi. Anh Hải không nói gì, anh đứng dậy bên chiếc xe chổng ngược, bặm môi quay bánh vù vù.
Tôi đến lớp với chiếc áo mới. Áo mẹ mua cho tôi, vừa dài vừa chật. Không một đứa con gái mười chín tuổi nào mặc một chiếc áo như tôi, cũng không có đứa con gái mười chín tuổi nào nhiều tự ái và kiêu ngạo như tôi. Khi đứa con trai đầu tiên bước vào giảng đường, nó nhìn thấy tôi ngồi trơ trọi ở góc cuối, những cái ngang tàng mọi khi bị bó lại ấm ức thì trợn mắt lên. Thế là tôi ngồi dúm lại ở góc ấy cho tới cuối buổi học, mắt lại hoa lên khi nghĩ đến ánh đèn màu buổi tối với những lời tán tụng ngọt ngào, rồi đêm khuya lại về ngôi nhà lạnh lẽo của mình, trở thành con người cau có với những khao khát cứ gặm nhấm dần trái tim. Tôi nghĩ đến sự nhẫn nại, lòng thấy buồn bực và đau xót lắm. Rồi đi về, len lén như một đứa tù trốn trại.
Tôi về nhà, treo áo ấy lên mắc, đi xuống bếp tìm mẹ. "Từ giờ mẹ đừng mang gì cho con nữa. Con cần những thứ khác kia!". "Đồ vô ơn!" Mẹ run lên, cái nhìn cạn khô và xa lạ. Tôi bảo: "Con chỉ toàn nói sự thật!" Anh Hải xuống lôi tôi lên nhà, ghé vào tai tôi nói: "Mày có học, nhưng mày khốn nạn lắm!". "Anh đừng động đến tôi! Anh chỉ biết có giơ nắm đấm lên thôi, đừng nói với tôi những lời như thế nữa!" Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một khuôn mặt nào như anh lúc ấy.
Tôi quay đi, buồn rũ lòng.
Có ông khách nào đang đợi anh Hải ngoài quán. Buổi trưa, mặt đường nhựa hắt nắng lên hầm hập... Lạy trời, xin cho mưa...
Anh Hải bỏ quán. Tấm biển "Bơm-vá-sửa xe" uể oải úp mặt vào trong tường. Anh đi suốt ngày, bỏ cả ăn. Về đến nhà lại nằm vắt tay lên trán như một cụ già. Tuổi của anh, như thế là anh chán nản lắm. Mẹ bỏ chợ ở nhà lo cho anh. Nhưng mẹ cũng chẳng biết nói gì. Mỗi lúc có ai gõ cửa hỏi, mẹ lại ra, mở hé một cánh, chỉ tay vào tấm biển úp mặt. "Nghỉ rồi! Nghỉ rồi!" Có người dắt xe đi còn quay lại càu nhàu. Tôi vẫn đưa lương cho mẹ, đi làm đều đặn mỗi tối, mười một giờ đêm về gõ cửa làm chó cả xóm lại sủa nhặng lên một hồi. Lâu dần thành quen, đến chó cũng không sủa nữa. Chỉ có tiếng dép mẹ nặng nhọc ra mở cửa. Mẹ không còn nhắc nhở tôi, chỉ đoi khi thở dài, nhẫn nhục và chịu đựng.
Người như anh Hải, không bằng cấp không quen thuộc, ai người ta nhận vào làm, dẫu chỉ một chân bảo vệ quèn, sống như vạc. Mỗi đêm thức năm tiếng, mỗi tháng lĩnh một ít tiền, bằng một phần bảy số tiền tôi nhận hàng tháng để mỗi tối mặc vào người tấm áo đỏ, đi quảng cáo cho rượu Hennessy...
Vì những lẽ như thế, anh Hải phải quay lại với cái quán sửa xe của mình, bỏ cả thói quen dạy dỗ tôi. Mỗi lúc quán vắng khách, anh ngồi thừ người ra, mắt mông lung, loãng ra như có khói.
Bố về thăm mẹ và hai anh em chúng tôi, chiều chủ nhật, gõ cửa ba tiếng nên lịch sự như người lạ. Tôi lặng lẽ trèo xuống chiếc ghế dựa. Tôi ra mở cửa "Bố!" Rồi nước mắt trào ra, không làm sao ngăn nổi.
- Bố ơi, thế là bố lại về rồi! Chúng con thì trẻ dại, mà sống thì khó lắm bố ơi. Chúng con khổ quá!.
Tôi nhìn trong mắt bố cầu xin. mắt bố buồn, sâu xa. Bố sống ở cơ quan nên dáng vẻ đã chậm chạp đi ít nhiều. Cũng chẳng hạnh phúc hơn hồi còn ở nhà. Không hạnh phúc hơn! Anh Hải gạt tôi ra, bưng cốc nước cho bố còn kịp quay lại nói: "Mày nói hay nhỉ!" Tao sợ những kiểu miệng lưỡi suông ấy lắm rồi!" Tôi nhảy vào: "Ừ đấy! Thế những cái tốt đẹp của anh để đâu rồi?" Rồi tôi quay sang bố "Bố ơi! đã ba năm nay có ai nói được với con một lời nào ngọt ngào đâu!" Tôi sụp xuống bên tay ghế của bố khóc rưng rức. Anh Hải đứng sững sờ.
Tội nghiệp bố của tôi, bố là một người yếu đuối. Bố làm gì cũng chỉ âm thầm và lặng lẽ. Không phiền ai. Không chia sẻ cho ai.
Bố là người kỳ quặc, bố xây ngôi nhà này khó khăn mà bỏ nó ra đi dễ dàng quá. Bỏ lại chúng tôi ngơ ngác, với mẹ suốt ngày chỉ nghĩ tới tiền và gánh hàng. Để đôi khi bố trở về nàh như người ta đi thăm lại cái công trình mình đã làm ra, xem nó sống thế nào, để chúng tôi sau mỗi lần như thế lại nghĩ về bố với tình cảm vừa xót thương vừa oán trách.
Anh Hải đứng trước bố tần ngần, giấu đôi tay lấm lem ra sau lưng. Anh ấy xấu hổ, không nhìn bố cũng không nhìn tôi. Tôi thấy anh ấy cô đơn quá. Một người cô độc sống giữa những người cô độc. Chẳng ai nói điều ấy, nhưng tôi nhận ra.
Bố nói: "Sao lại thế này?"
Chúng tôi trả lời: "Vì bố đã đi lâu quá!".
"Bố cũng có những gánh nặng. Tóc bố sắp bạc hết rồi. Chẳng còn thời gian đâu con ạ!"
"Tóc mẹ cũng đang bạc đi từng ngày. Sao bố không trở về đây? Mẹ và chúng con đều rất cần cái gì để nương tựa. Mỗi lúc con chán nản, mỗi lúc con muốn gào lên phá phách, bố có biết cái gì giữ tay con lại không? Đó là quá khứ, đó là ký ức về cuộc sống êm ấm, rất hạnh phúc mà con từng được sống. Con không thể sống lừa dối được. Anh Hải có yêu cũng chẳng thể nói ra, có ghét cũng chỉ giơ nắm đấm. Còn con thì lại chỉ biết nói ra những lời cay đắng. Con xin bố, bố hãy về với chúng con. Tại sao tất cả lại thay đổi, tại sao lại như thế này? Chúng con, và mẹ, và ngôi nhà này đều thuộc về bố cơ mà?"
"Đưa cho bố cái mũ!"
"Con xin bố!"
Tôi vẫn còn quỳ xuống bên tay ghế, khi bố ra đi, tan nát cõi lòng. Đấy là bố của tôi, chúng tôi mang ơn bố suốt đời, vì bố đã sinh ra chúng tôi. Nhưng mà có lẽ, suốt đời tôi sẽ rất đau đớn.
Tôi không đủ nhẫn tâm để có thể kể tất cả với mẹ. Nhưng mẹ biết tất cả, vì mẹ là mẹ của chúng tôi. Đêm ấy ra mở cửa cho tôi về, lặng thầm trong bóng đèn đường, lăn trên má mẹ những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt hiếm hoi, chảy từ chỗ tận cùng của trái tim. Và giây phút ấy sao tôi chỉ muốn quỳ sụp xuống chân mẹ, úp mặt vào hai bàn tay của mẹ, khóc òa lên cho tan hết những u uất trong lòng, để trở về trong trẻo và thanh thản như xưa kia... Nhưng tôi chỉ cụp mặt xuống, nín lặng dắt xe qua bậc tam cấp, vào nhà.
Trang Hạ
Áo Trắng số 61 - 1995
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây