Đoàn Nguyên Đức, người giàu nhất Việt Nam


(thongtin247) -

Ông Đoàn Nguyên Đức sinh 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là người Việt nổi tiếng như là một "ông bầu" trong làng bóng đá và là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh - Gia Lai.

Con đường trở thành “đại gia” Việt

40 năm trước cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương, ước mơ một ngày nào đó sẽ được cưỡi và tậu cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực.

Ở phố núi, chẳng ai gọi ông Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, mà là Ba Đức vì cái tên này đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007...

Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Và gần đây nhất là ông đã tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) như điều mà ông từng mơ ước 40 năm về trước. Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của Tập đoàn.

Bước ngoặt

Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức kể lại rằng: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.

Khởi đầu sự nghiệp của ông Đức chỉ là việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Nhưng kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã phất lên như diều gặp gió. Ông Đức trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một tập đoàn tư nhân - hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh thu kể từ năm 2005 đã vượt quá 1.200 tỷ đồng, các năm sau đều cao hơn năm trước và dự kiến năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ đồng.

Các sản phẩm của HAGL Group như đồ gỗ nội - ngoại thất cao cấp; đá granit ốp lát tự nhiên mủ cao su... đã có mặt hầu khắp các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Australia và New Zealand. Các văn phòng đại diện của HAGL cũng được thiết lập tại nhiều nước nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận, giao dịch với tập đoàn một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Hiện nay, HAGL Group còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, như xây dựng các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, và đã cho ra đời một loạt khách sạn, khu nghỉ mát 4 sao, 5 sao tại TP HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku...

Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của HAGL Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007. Ông Đức cho hay sở dĩ đạt được con số trên là do HAGL hiện đang sở hữu 27 dự án bất động sản, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000. Do giá thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao nên tổng giá trị tài sản ròng của tập đoàn cũng tăng.

Ngoài ra, HAGL còn đang sở hữu hệ thống khách sạn, các resort, 5 nhà máy sản xuất đồ gỗ và chế tác đá granite, trên 20.000 ha cao su tại Gia Lai, Kon Tum và Lào, nhà máy thủy điện 143 MW; 2 mỏ sắt và một mỏ đồng...

Theo kết quả kiểm toán của Earns & Young, năm 2007 vừa qua HAGL đạt 870 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vượt chỉ tiêu đề ra 270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2008 ước đạt 2.500 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, trong năm 2008, HAGL Group cam kết sẽ tài trợ cho Lào 100% vốn với giá trị lên đến 19 triệu USD để xây dựng làng vận động viên SEA Games 25, gồm tám khu nhà chức năng với khoảng 42.000 m2 sàn xây dựng, là một khu ở khép kín cho 4.000 vận động viên quốc tế.

Trong tổng vốn 19 triệu USD, 4 triệu USD là tài trợ không hoàn lại, phần còn lại được cho vay thời hạn ba năm không lãi suất. Khoản tiền vay sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả bằng gỗ khai thác và các dạng quota khác cho HAGL.

Ngoài ra Chính phủ Lào còn tạo điều kiện cho HAGL thăm dò tiềm năng khai thác khoáng sản ở Nam Lào và cấp cho HAGL 10.000 ha đất trồng cao su, nâng tổng diện tích đất dự án cao su tại tỉnh Attapeu của HAGL lên 15.000 ha, bao gồm cả đất để xây dựng hai nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 40.000 tấn một năm.

Theo tính toán trong vòng 5 đến 7 năm tới lợi nhuận của HAGL từ việc đầu tư tại Lào có thể lên đến trên dưới 100 triệu USD một năm nhờ xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su và gỗ. Rõ ràng là đồng tiền mà bầu Đức bỏ ra để khuyếch trương thương hiệu và uy tín của Tập đoàn cũng như 15.000 ha trồng cao su trên đất Lào, quả thật là những con gà đẻ trứng vàng.

Người giàu nhất Việt Nam: 12.221 tỉ đồng

Theo thống kê, tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 32.026 tỉ đồng, cao hơn nhiều so tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên TTCK năm 2007 là 27.488 tỉ đồng. Sự giàu có này gây bất ngờ cho hầu hết những người quan tâm bởi chỉ số VN-Index cuối năm 2007 (927,02 điểm) cao hơn nhiều so với hiện nay (617,38 điểm). Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ giữa năm 2008 đã khiến hàng loạt tỉ phú trên thế giới nghèo đi.

Người giàu nhất trên TTCK Việt Nam hiện nay vẫn là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với số cổ phiếu (CP) nắm giữ trị giá trên 12.221 tỉ đồng, tăng hơn 6.200 tỉ đồng so với năm 2008. Ông cho biết không bất ngờ khi biết mình vẫn giữ vị trí giàu nhất trên TTCK trong năm nay.

Ông Đức được nhiều người biết đến như là người đang sở hữu máy bay riêng ở VN hiện nay, chiếc Beechcraft King Air 350 mua từ Mỹ hồi tháng 5.2008. Giá trị thực của chiếc máy bay được xác nhận khi tính thuế ở Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất là 5,1 triệu USD, nhưng ông Đức phải chi thêm một số khoản khác, tổng cộng lên khoảng 7 triệu USD do các khoản như đào tạo phi công, thuê dịch vụ, bến bãi...

(Theo Vneconomy)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa