Vừa bước lên sân, việc đầu tiên của cậu Minh là phóng mắt vào nhà rồi liếc nhanh phía sau sàn nước để tìm hình bóng cô Kim Em. Hổm rày, cậu mang bịnh tương tư. Nhưng khi đến đây cậu gặp sự thất vọng.
Ông Tư hỏi:
- Lâu quá, không gặp cháu. Cháu vắng hổm rày, chắc lo học hành...
Cậu Minh đáp:
- Dạ, cháu không có chuyện chi. Bãi trường rồi, rảnh rang lắm. Chừng một tháng nữa, cháu mới lên chợ Rạch Giá nhập học lại.
Thằng Thích chạy tới, nói xen vào:
- Ba ơi! Cậu Minh đọc sách để coi kiểu nuôi ong lấy mật ở bên Tây! Hôm qua, con lại nhà cậu, cậu lật sách cho con coi mấy cái hình ăn ong. Ở bên tây hễ muốn lấy mật, người ta bận áo mưa, đội mão, mang bao tay bằng da bò. Hèn gì họ... mình đồng da sắt, không sợ ong đánh. Cậu Minh nói với con: Hễ con dạy cách ăn ong ở xứ mình cho cậu... ăn được thì cậu mua cho con một cáibê hê , một cây đènpin.
Ông tư lườm thằng Thích:
- Ai hỏi mà mầy lên tiếng. Bỏ cái tật nói hớt của mầy nghe không? Xuống bếp, lo dọn cơm.
Rồi ông day qua cậu Minh:
- Nhằm bữa, cậu ăn luôn với tôi. Hổm rày nhằm cỡ ong“dàn trận.” Lui cui tối ngày với ba cái mật, cái sáp...
Cậu Minh vô cùng thắc mắc: “Cô Kim Em đi đâu vắng rồi? Sao ban nãy thằng Thích rủ mình tới chơi, nó quả quyết rằng chị Hai nó có ở nhà.”
Phía nhà dưới, nào thấy bóng hồng thấp thoáng. Gió phăng phắc nhưng mùi mật ong xông lên nồng nực khắp nhà. Ruồi bay từng bầy, bu lại gần mấy cái thùng thiếc đầy tàn ong mới“xắn” về. Mấy con ong non ngày non tháng như luyến tiếc ổ cũ, bò ra chung quanh miệng thùng, quạt cánh nhưng chẳng tài nào bay được. Cậu Minh nói hơi to:
- Chà! Ong nhiều quá. Mật thơm quá.
Rồi cậu đi lững thững xuống nhà bếp để xem cách nấu sáp, vắt mật, luôn dịp, tìm bóng giai nhân.
Trong buồng, vọng ra giọng chanh chua của thằng Thích. Nó đấu khẩu với chị nó:
- Ai biết cơm nước ra làm sao mà dọn? Sao chị nằm trong mùng hoài vậy? Ra dọn cơm cho người ta ăn. Kỳ cục quá.
Giọng cô Kim Em trả lời:
- Tao bịnh. Lâu lâu nhờ mầy dọn chén ra mà mầy cằn nhằn hả? Hết nói.
- Chị bịnh hả? Hổm rày sao không bịnh. Chờ khách tới thì chị bịnh... Tôi biết rồi.
- Ðừng om sòm cái miệng. Nhớ đem con cá nướng trên bếp xuống, cạo sơ sơ cho tróc cái lớp khét cháy ở ngoài da cá.
Thằng Thích trở giọng khôi hài:
- Ờ phải. Ta biết rồi. Vậy hả? Cha chả...
Mâm cơm đã dọn ra. Cậu Minh ngần ngại, leo lên bộ ván nhưng chẳng dám ngồi đối diện với ông Tư. Ông Tư mời mọc đôi ba lần mà cậu vẫn rụt rè, nói nhỏ nhẹ như con gái:
- Dạ, bác cầm đũa trước, cháu mới dám.
“Thiệt cái thằng ăn học theo thời bấy giờ mà còn giữ được lễ phép thời xưa.” Ông Tư khen thầm như vậy. Bấy lâu nay, ông nghe thiên hạ đồn đãi: cậu Minh yêu mến con gái ông. Lúc đầu, ông chưa tin. Không lẽ cậu Minh lại muốn cưới con gái nhà bần h; àn, dốt chữ nghĩa. Dư luận ngày càng phồng lên, gia đình cậu Minh dường như chẳng lên tiếng đính chánh. Ông Tư tin là chuyện có thật. Gia đình cậu Minh thuộc vào hạng“có tiếng mà không có miếng” vì đã phá sản. Gia đình ông tuy vô danh nhưng đủ ăn nhờ nghề ăn ong mật ở góc rừng này. Con gái ông được nhiều người khen ngợi nhan sắc và nết na.
Nếumay mà hai đứa nó kết tóc với nhau, ; âu cũng là vinh hạnh lớn cho ông. Dường như cậu Minh ưa rủ thằng Thích đi chơi để“giả đò mua khế bán chanh” , viện cớ hợp lý tới lui thăm người đẹp. Ngoài ra, cậu Minh bắt đầu nghiên cứu về sinh hoạt của loài ong mật.
Ông Tư lên giọng:
- Bữa nay ăn uống sơ sài quá. Cá lóc nướng trui mà thiếu rau dấp cá, mất ngon. Nước mắm thì mặn đắng, thiếu me chua, ớt thì để nguyên trái. Thằng Thích mầy sao tệ quá.
Thằng Thích cãi lại:
- Ðâu phải tại tôi. Tại chị Hai đó. Hồi sáng, chỉ còn mạnh cùi cụi. Vậy mà chỉ vô mùng nằm, đắp mền, không biết đau chứng bịnh gì. Ba hỏi coi!
Nắm lấy cơ hội ấy, cậu Minh vào đề:
- Dạ thưa bác, cô Hai đau nặng nhẹ ra sao?
Ông Tư nín cười không được:
- Ối! Ðau đớn gì. Vô ý vô tứ thì ong vò vẽ nó đánh, nóng lạnh một buổi là hết. Ổ ong ngay nóc chuồng heo. Thứ ong vò vẽ bất nhơn, không có mật vô ích. Lát nữa mầy đốt ổ đó cho xong, nghe Thích. Bữa nào nó đánh tới tao nữa.
Thằng Thích mừng quýnh. Nó muốn trổ tài, giúp cậu Minh thấy tận mắt thói ăn nết ở của bầy ong. Nhứt định cậu Minh sẽ vui mừng mua tặng cho nó cáibê rê và cây đènpin , theo lời hứa. Nó ăn lua láo cho mau hết chén cơm rồi từ từ lui ra sau hè.
Còn lại ông Tư và cậu Minh. Cậu cố hướng dẫn cho cuộc đàm thoại đi sâu vào vấn đề... con ong. Hổm rày cậu chịu khó đọc qua một quyển sách khảo cứu in tại Ba Lê. Cậu hơi to giọng cố ý cho cô Kim Em trong buồng nghe ngóng.
- Thưa bác, sách Tây nói rằng ong mật là lại côn trùng có cánh, rất hữu ích cho loài người tự cổ chí kim.
Ông Tư trố mắt:
- Vậy hả? Nếu vậy thì sách Tây đâu có hay ho gì. Con ong có cánh để bay lẽ dĩ nhiên, ai cũng biết. Nhưng còn thiếu...
- Thưa bác thiếu điểm nào?
- Ðiểm ích lợi... ong mật có ích cho loài người mà cũng cần thiết cho loài thú. Con gấu trong rừng sống nhờ mật ong.
Cậu Minh đáp:
- Ðúng vậy. Rồi mấy hãng kẹo bên Tây thường lấy con gấu làm nhãn hiệu. Và mỗi hãng kẹo đều có mướn nhiều ông kỹ sư, nhiều ông khảo cứu. Họ nhìn nhận mật ong bổ ích cho loài người. Lịch sử của loài người làm nên...
- Khó hiểu quá. Ăn thua gì với con ong.
- Dạ thưa hồi thời Bàn Cổ sơ khai, càn khôn hỗn độn, trước khi tìm ra lửa để nướng thịt thú rừng, con người đã nhờ mật ong mà tẩm bổ qua ngày qua tháng, chịu đựng sương tuyết. Ðó lànền văn minh mật ong (civilisation du miel), trước khi có nền văn minh dùng búa dao bằng đá, bằng sắt.
Liền khi ấy, ông Tư thích thú, rót rượu đầy chén mời cậu Minh:
- Hay quá. Hồi nhỏ tới lớn, bác mới nghe cháu nói. Mới nghe qua thì hơi dở nhưng ngẫm lại thì hữu lý.
Cậu Minh hớp chút rượu, trình bày tiếp, trong khi đó cô Kim Em ho húng hắng...
- Thưa bác, xin nói qua các nhà chép sử phương Tây. Họ bảo rằng thời xưa mật ong là vậy quí. Ong là loài côn trùng oai hùng chẳng kém loài sư tử. Bên Do Thái dây gian còn truyền tụng tích chàng dũng sĩSăm Sông đi tìm nàngÐa Li La. Chàng ta gặp con sư tử cản đường nên ra tay giết sư tử. Vài ngày sau trởi lại chốn cũ thì ô hô! Có một ổ ong khá to đóng trong lồng ngực con ác thú, khoét gần hết xương thịt.
Ông Tư lắc đầu:
- Cháu nói hơi trật chìa rồi! Chắc đó là loài ong lỗ, ong vò vẽ, thứ ong đóng ổ ở sau chuồng heo. Loài ong mật thì ăn bông thôi, tinh khiết lắm. Còn gì lạ nữa không?
- Thưa bác, nhà kiến trúc sư khen loài ong đã biết cất nhà lầu. Ổ ong là toà nhà bốn trăm hoặc tới năm trăm tần. Loài người ở thời văn minh chưa làm chuyện đó. Mùa nực, ong xúm nhau quạt cánh cho mát bầy con. Mùa lạnh, ong nằm xo rút liền với nhau để sưởi ấm. Nhờ vậy không khí được tinh khiết điều hoà, chẳng khác gì lò sưởi hay quạt máy.
Ông Tư bắt đầu chán nản vì ở rừng Cà Mau chỉ có hai mừa mưa nắng và mùa nào cũng nực, ở trần. Ông hy vọng chắm dứt câu chuyện khá dài.
- Bác ít đi chợ búa nên chưa rành cái quạt máy, lò sưởi... Thiết là lắm chuyện.
- Dạ còn nữa, bác ơi. Nhà chính trị khen loài ong biết tổ chức thành những quốc gia, có vua, có tôi, có thần dân. Nhà y học công nhận rằng nọc độc của loài ong trị được bịnh tê bại. Họ khen mấy người ăn ong trong rừng vì người ăn ong giỏi như mấy ông thầy Chà thổi ống sáo để chỉ huy loài rắn bàn nạo.
- Hơi lạ. Ăn ong với bắt rắn là hai nghề khác nhau.
- Thưa bác, đó là cách bào chế thuốc ngừa thiên thời, trái giống. Thầy rắn Chà Và đùa giỡn với rắn hổ con, rắn cắn không sao hết vì nọc còn non. Rắn lớn lên, nọc càng ngày càng độc. Máu huyết của thầy rắn cũng quen lần lần với nọc độc. Rủi bị rắn cắn thầy ta vẫn cười tươi! Người ăn ong ở rừng nào khác thầy rắn. Lần hồi, máu huyết người ăn ong trở thành lờn, ong đánh không đau đớn nữa...
Chén rượu thứ ba đã cạn. Ông Tư cười hề hề:
- Giống như uống rượu vậy thôi. Con nít uống rượu mau say, dân ghiền rượu thì coi rượu hơi giống nước lạnh. Uống đi cháu. Uống cho quen. Rượu còn hiếm hiệm... Cháu giỏi quá.
Cậu Minh cao hứng, uống lần hồi cạn nửa chén rượu đế. Mặt trời sắp lặn, đỏ khé sau rừng nhưng cậu nào hay. Mặt mày cậu ta cũng hừng lên, đỏ khé như một cái mặt trời nhỏ bé trong căn nhà ấm áp này.
- Còn nữa hết vậy cháu. Nhà kiến trúc, nhà y họ, nhà làm quốc sự đều khen con ong. Còn nhà gì nữa không?
- Thưa bác, ong ong ngộ lắm... Nhà nghệ sĩ nói rằng hễ gặp bông đẹp, nhụy ngọt thì con ong bay trở về ổ, báo cáo sự tình với đồng loại bằng một điệu vũ tức là nhảy múa. Nhờ điệu vũ đó mà bầy ong xúm nhau tìm hoa, hút nhụy. Ðẹp làm sao! Ổ ong tối mờ mờ như trong phòng ngủ. Con ong khiêu vũ trong bóng mờ. Khiêu vũ là cách nói chuyện tâm tình của loài ong. Có nhà thi sĩ cho rằng sáp ong là kết tinh bao nhiêu hương hoa của trời đất. Trong vũ trụ, đẹp nhứt là hoa. Nhụy hoa được loài ong hút về, tạo ra chất tinh khiết, xứng đáng cho chúng ta... xe lại làm cây đèn sáp để đọc sách hoặc cúng vái thần thánh. Con ong lại là... ông Tơ bà Nguyệt là lá thắm chữ hồng, đem nhụy bông đực rắc vô lòng bông cái. Vì vậy, bên Sa trại chủmạc Phi châu, cây chà là mới sanh trái được. Mấy người Ả Rập quí trong con ong, nuôi ong gần vườn chà là để cho bông cái chà là đừng trở ra thứ trái lép xẹp!
Ông Tư ngơ ngẩn vì... cậu Minh nói hơi nhiều lời, nói hết sách vở mà cũng chẳng ích lợi gì ráo. Nói tới nói lui rồi cậu ta cũng loanh quanh trở lại chuyện ái tình hơi thô tục.
Ngoài cửa sau, có bóng thằng Thích lấp ló. Ông tư hỏi:
- Gì vậy Thích?
Nó trả lời:
- Con muốn rủ cậu Minh ra ngoài này cho mát.
Ông Tư lắc đầu:
- Mầy giả ngộ hả? Muỗi mòng như trấu. Ra ngoài sau hè để làm gì?
Cậu Minh bắt đầu chán tiệc rượu vì cậu ta chẳng còn lý luận gì để phô trương cả!
- Thưa bác. Cháu muốn nói chuyện với thằng Thích. Cháu uống rượu hết vô rồi. Hơi say.
Khi thấy cậu Minh đến cửa nhà bếp, thằng Thích reo lên:
- Ðiệu lắm. Không có chổ chê. Cậu Minh ơi! Xong rồi. Mời cậu vô mùng kẻo mất cơ hội.
Ông Tư càng sửng sốt, nạt lớn:
- Mầy khùng rồi hả? Làm gì mà vô mùng? Ðừng nói bậy.
Thằng Thích nói khẽ:
- Dạ... con giăng mùng ở gần cái chuồng heo để cho cậu Minh coi cái ổ ong vò vẽ. Cái ổ này kỳ cục lắm. Ba biểu con phá ổ đó cho xong. Cậu Minh thì muốn con giúp... làm cách nào cho cậu thấy tận mắt con ong sống nhăn...
Ông Tư chép miện, muốn rầy thằng Thích nhưng sợ cậu Minh hiểu lầm:
- Ừ! Ðể tao coi mầy làm ăn ra thế nào!
Cậu Minh đứng ngoài hè., liếc thấy cái chuồng heo và cái mùng giăng trên bãi cỏ, bốn sợi dây căng thẳng qua bốn cây chuối hột. Sợ làm phật ý ông Tư, cậu dò hỏi:
- Cháu vô đó với thằng Thích. Nhà xảy ra chuyện, gì nguy hại không bác?
Sực nhớ đến mớ lý thuyết mà cậu ta vừa nói lúc uống rượu, ông Tư lẩm bẩm:
- Ờ! Thuốc dạy thầy, cậy dạy thợ. Biết đâu cháu thấy chuyện lạ hơn mấy ông bác vật! Ðây là ong vò vẽ, đóng ở góc chuồng heo của... rừng Cà Mau... Hiền lắm... Bác đâu dè thằng Thích nó rắn mắt. Mặt trời còn chạng vạng, ong nó thấy đường....
Lần đầu tiên, cậu Minh đánh bạo chui vô mùng. Ngồi bên trong, vui sướng làm sao. Vững như ngồi trong chiến bào. Ngoài kia, trời nhá nhem. Muỗi bay vo vo. Ông Tư chống nạnh, ho từng chập và dường như cô Kim Em cũng rón rén đến sát ngưỡng cửa.
Cậu Minh mỉm cười. Qua lớp vải mùng c3nh vật hiện ra mờ ảo, rung rinh. Mấy tàu lá chuối phất phơ. Con ruồi, con muỗi còn bay không lọt vào mùng, huống gì con ong vò vẽ. Một đoạn sách mà cậu đọc sơ qua cho biết: bên Âu châu, mấy nhà nuôi ong đều sắm những thùng nhỏ, lọng kiếng hoặc lưới sắt để dễ bề quan sát.
Muỗi dưới mặt cỏ bay luồn lên, vo ve. Cậu Minh quên đập muỗi, mải nhìn theo hướng ngón tay thằng Thích. Cái ổ ong vò vẽ lớn tròn, đen thui như cái trống, vừa một ôm. Ghê quá, đất chung quanh ổ ong chấp chóa, trơn láng. Nắng thoi thóp nhưng còn chiếu thẳng vào miệng ổ: một cái lỗ nhỏ, có hai ba con vàng bay loanh quanh như canh gác.
Cậu Minh muốn chứng minh tinh thần hăng hái:
- Nó không ra, làm sao mình coi được. Xa quá! Mầy Thích ơi. Phải chi hồi nãy mầy giăng mùng sát ổ ong.
Thằng Thích thở nhẹ:
- Nè anh! Tôi đem cây trúc này vô mùng để dành thọt.
- Làm sao mà thọt?
- Anh vén mí mùng, đưa cây trúc ra rồi đè mí mùng cho lẹ.
- Tao nghi ngờ quá.
- Ðể tôi!
Thằng Thích vén mí mùng, đưa cây trúc ra, nhắm ngay cái miệng ổ ong mà“chọt” tới.
Lẹ như điện xẹt, ba bốn con ong bay ra, theo cây trúc, chui vào mí mùng trước khi thằng Thích khép lại.
Hai người la hoảng:
- Chết tui. Anh ơi!
- Nó đánh tao. Ui da! Trời ơi! Thích ơi! Chạy ra được không?
Tình thế thật khó xử. Chạy sao kịp. Hàng ngàn con ong ào tới đậư ngoài mùng đen thui tùng cục, từng dề... chớp cánh nghe lào xào. Vài con xung phong lách mình xuống gốc cỏ; chui rèn rẹt vào mùng như con trùng, con kiến.
Bên ngoài, ông Tư kêu la ỏm tỏi:
- Dại quá vậy. Tại sao giăng mùng mà không trải chiếu cho sát mặt đất? Giăng mùng lơ lửng như vậy đó. Rán chịu trận.
Cô Kim Em đứng nép vào bệ cửa, lỡ cười lỡ khóc: Thằng Thích và chàng trai thông minh kia đang bị nhốt trong mùng.
Chập sau, mặt trời lặn khuất. Bầy ong gom về ổ. Ông tư bước tới, cầm một cái bao bố, khom lưng rồi thừa cơ hội thuận tiện, gói trọn cái ổ ong vào bao, chạy nhanh trở lại mương, nhận xuống nước: ong chết ngộp. Cô Kim Em tuân lời cha, xuống mương đem cái bao lên. Cái ổ ong được phá ra. Ong non trắng phau, lúc nhúc, gom hơn một thùng, đem lăn bột chiên ăn trong đêm ấy...
Cậu Minh uống rượu khá nhiều, ôm thằng Thích mà ngủ cho tới sáng...
*
* *
Vài tháng sau, cậu Minh cưới cô Kim Em. Họ sống không mấy yên ổn, vì thời cuộc. Lần hồi, họ tản cư lên Sài Gòn. Chàng làm thơ ký ở một tiệm bán kem, nàng thì thủ phận đêm đêm gánh chè đậu kiếm thêm tiền để nuôi nấn bày con sáu đứa. Càng tiếc mùi mật thơm lành của quê nhà, thuở ban đầu. Nhứt là những đêm mưa gió, vợ chồng ngậm ngùi nhìn nhau không nói một cậu. Ngọn đèn điện mập mờ gợi hình ảnh ngọn đèn sáp từ đâu lạc đến, để lệ hàng đêm, chẳng bao giờ lụn để soi sáng trang sách của cuộc đời bao la: cuộc đời vừa xới mật vừa dễ hiểu nhưng họ chưa bao giờ hiểu – như cái ổ ong bên cạnh chuồng heo.
Cái Tổ Ong
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây