Hôm ấy là Tết té nước của người Lào. Dãy kí túc xá của sinh viên Lào rào rào tiếng nước xối từ trên những tầng cao. Chúng tôi ở bên này cũng nhiệt tình hưởng ứng. Những ca nước dội xuống tung tóe. Sinh viên năm thứ nhất chúng tôi - vừa rời khỏi ghế nhà trường phổ thông - còn hiếu động và ham đùa nghịch. Bọn con gái ở bốn tầng trên cứ bưng cả thau nước to, xối xuống cầu thang. Bọn con trai ở tầng một vừa thò đầu lên đã bị tưới ướt như chuột lột, ngoi ngóp chạy xuống. Như lần trước, tôi bưng một thau nước đầy nấp vào mép hành lang. Khi cái đầu đen vừa nhô lên, tôi liền hắt nước tới tấp. Bỗng “ Ối!” một tiếng làm tôi giật mình. Một bé gái bán bánh mì mặc bộ quần áo mỏng manh đã cũ. Nó ướt sũng từ đầu đến chân, cả cái bọc bánh mì nữa. Tôi đứng như trời trồng. Mắt nó ươn ướt nhìn tôi. Cái nhìn vừa như oán trách vừa như bất lực. Tôi chợt nghe trong lòng một cảm giác hối hận. Nhưng tôi cứ đứng đó, chân tay bất động và cái miệng cứng đờ không nói được câu nào. Vừa lúc ấy, tiếng còi dưới Trung tâm quản lí kí túc vang lên. Đội cờ đỏ đang nhắc nhở và yêu cầu sinh viên ngừng hắt nước. Phía sau em bé bỗng xuất hiện một nam sinh mặc áo sơ mi trắng đeo băng đỏ. Anh nhìn tôi rồi nhìn em nhỏ, lắc đầu thở dài. Tôi càng bối rối. Anh vỗ nhẹ vào bờ vai đang run rẩy của em nhỏ, giọng ấm áp: - Đi theo anh. Lúc đó em bé nhìn tôi lần cuối cùng rồi bỏ đi theo anh. Để thỏa mãn trí tò mò, tôi đi nhẹ xuống cầu thang hướng về thềm kí túc xá. Anh rút trong túi quần ba tờ mười ngàn đưa cho em nhỏ: - Em cầm tạm lấy rồi về thay áo kẻo lạnh. Đứa nhỏ nhìn anh rưng rưng xúc động rồi lặng lẽ bước đi. Anh nhìn theo đứa nhỏ rồi bất thình lình bước lên hành lang. Ánh mắt anh dừng lại một chút với vẻ ái ngại. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì anh đã quay đi. Tiếng nước ngừng xối chỉ còn những hành lang lênh láng nước. Đêm ấy tôi không chợp mắt. Đôi mắt em nhỏ ươn ướt và đôi mắt anh bình thản nhìn tôi… Rồi tôi chạm mặt anh vài lần nhưng cả hai đều đi ngang qua, không nói một lời. Cho đến một ngày tôi đọc được bài báo trên nội san của trường viết về tấm gương vượt khó học tập và trở thành sinh viên xuất sắc, tôi mới bang hoàng nhận ra người trong bài báo ấy chính là anh. Trong tấm ảnh chụp trên mặt báo, đôi mắt anh bình thản, tư lự đến lạ lùng. Nó vừa cương nghị vừa ươn ướt và chan chứa tình thương. Anh mồ côi cha từ nhỏ. Người mẹ tần tảo bán xôi sáng và bán bánh mì đêm nuôi anh ăn học. Anh cũng từng có những đêm đông đi bán bánh mì thay mẹ. Năm anh mười sáu tuổi, mẹ anh bệnh nặng qua đời, anh vừa kiếm sống vừa học hết phổ thông và thi đậu đại học năm đầu tiên. Vừa học vừa đi gia sư, anh vẫn dành mức học bổng cao nhất và luôn luôn là sinh viên xuất sắc nhất Khoa Lý của trường. Tối tối, anh đạp xe bốn năm cây số để đi dạy. Những dòng chữ trong bài báo nhòe đi. Ánh mắt anh tối hôm ấy hiện lên thật bình thản. Hóa ra anh đã đưa cho em bé số tiền mà anh vất vả kiếm được bằng những buổi đạp xe đi dạy như thế. Số tiền ấy với tôi có thấm tháp gì, chỉ là một chiếc áo phông rẻ tiền…vậy mà…tôi đã đứng giương mắt nhìn và thản nhiên như không trước lỗi lầm mình gây ra. Đêm ấy, tôi không chợp mắt được. Những dòng chữ trong bài báo cứ nhảy múa trong đầu tôi. Hôm sau, tôi bắt xe về nhà lấy tiền. Cổng khóa, tôi trèo cổng như mọi khi vẫn trèo lúc trốn nhà đi chơi. Căn nhà vắng lặng. Đợi mãi không thấy ai về, tôi đến cửa hàng của mẹ. Hộp cơm nguội ngắt, mẹ vừa ăn vội vã vừa đứng lên bán hàng cho khách. Còn ba, ngày nào ba cũng ăn cơm trưa qua quít ở cổng cơ quan. Những lần về nhà báo trước, ba tôi thường ra đón, cả nhà sum vầy bên nhau trong những bữa cơm nóng hổi mẹ nấu. Tôi vô tư hay vô tâm không để ý tóc ba ngày càng bạc, nét mặt mẹ nhiều thêm những nếp nhăn. Tất cả chỉ vì những buổi đi chơi của tôi, những chiếc quần bò áo phông đắt tiền. Tôi bắt xe quay trở lại trường. Đêm ấy tôi không chợp mắt. Hình ảnh bữa cơm chiều ấm cúng hiện lên lung linh sau khóe mắt ươn ướt của tôi. Sáng hôm sau tôi đến trung tâm gia sư. Tôi mặc một chiếc quần vải và một chiếc áo sơ mi giản dị. Thật bất ngờ, tôi lại gặp anh ở đó. Tôi đứng lặng nhìn anh. Anh nở một nụ cười than thiết: - Em vào đi. Tôi mạnh dạn bước vào ngồi trước mặt anh. Anh hỏi nhỏ: - Em muốn đi gia sư hả? Em thích dạy lớp mấy? Tôi nhỏ nhẹ: - Em dạy lớp nào cũng được. - Có một học sinh lớp bảy và một học sinh lớp chín đang cần dạy kèm. Em nhận nhé! - Vâng. Anh ghi địa chỉ đưa cho tôi. Tôi ngước nhìn anh băn khoăn: - Anh không sợ em làm hỏng việc à? Làm mất uy tín của trung tâm. Anh cười một nụ cười bí ẩn: - Nhìn người, anh biết. Tôi tò mò: - Buổi sáng anh làm ở trung tâm, chiều anh lên giảng đường, tối anh đi gia sư, thế anh học lúc nào? Anh mỉm cười: - Lúc rảnh. Bất giác tôi nhớ lại chuyện hôm trước. Tôi rút trong cặp ra ba mươi ngàn đưa cho anh: - Trả nợ anh hôm trước. Anh nhìn tôi, ánh mắt bỗng trở lên bình thản lạ. - Vậy à? Tiền của bố mẹ em chứ gì? Em cầm lại đi, để khi nào em kiếm được bằng mồ hôi công sức của mình đã. Lúc ấy anh sẽ không từ chối. Còn tiền hoa hồng anh không lấy, coi như anh tư vấn miễn phí cho em. Đêm ấy tôi không ngủ mà ngồi say sưa soạn giáo án. Chiều hôm sau, tôi dạy buổi đầu tiên khá suôn sẻ và nhận ba mươi ngàn cho ngày công đầu tiên. Tôi đạp xe về kí túc xá và nặng nhọc xách xe đạp lên. Trán tôi đẫm mồ hôi. Tối hôm ấy, tôi đợi anh bên thềm kí túc xá. Gần chín rưỡi, anh lóc cóc đạp xe về. Nhìn thấy tôi từ xa, anh đã mỉm cười. Tôi đứng trước anh, chìa số tiền công lần đầu tiên gia sư trong đời ra: - Trả nợ cho anh. Cảm ơn anh. Anh mỉm cười, đôi mắt bình thản nhìn tôi: - Trong cuộc sống có những điều không đơn giản và sòng phẳng như nợ - trả, em ạ! Hãy giữ lấy làm kỉ niệm. Đêm ấy, tôi không chợp mắt. Tôi ngồi gấp ba tờ tiền thành ba cái trái tim và ghi tên lên đó: Trái tim anh, trái tim em bé và trái tim tôi. Tôi xếp chúng vào một chiếc hộp giấy nhỏ và chợt hiểu rằng: Những đồng tiền mồ hôi, nước mắt…chúng cũng có trái tim. Cúc Trắng
Những đồng tiền hình trái tim
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây