Chuyện khởi nghiệp của người giàu nhất Trung Quốc

(thongtin247) - Cách đây 23 năm, Wahaha bắt đầu từ một cửa hàng bán nước giải khát và tạp hóa trong trường học với số vốn chỉ vỏn vẹn 200.000 NDT. Wahaha là công ty nước giải khát lớn nhất Trung Quốc. Câu chuyện khởi nghiệp của Tông Khánh Hậu, ông chủ tập đoàn này đã khiến nhiều người ngạc nhiên và nể phục.

Cách đây 23 năm, Wahaha bắt đầu từ một cửa hàng bán nước giải khát và tạp hóa trong trường học với số vốn chỉ vỏn vẹn 200.000 NDT. Đến năm 2007, Wahaha kiếm được 25,8 tỷ NDT. Và trong 10 năm gần đây, Wahaha liên tục đứng đầu trong danh sách các công ty trong nước về tổng sản lượng, lợi nhuận và tổng tài sản.

Vì gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp hai, Tông Khánh Hậu phải nghỉ học và lăn lộn kiếm sống trên các nông trường chè miền núi. Trở về quê hương để đỡ đần công việc gia đình nhưng cuộc sống khó khăn lại tiếp tục đưa đẩy Tông đến thành phố Hàng Châu. Với trình độ học vấn thấp, Tông chỉ có thể tìm được công việc quét dọn tại một trường học ở thành phố này.

Năm 1987, ông mở một cửa hàng bán nước giải khát nhỏ trong một trường học ở huyện Thượng Thành, Hàng Châu. 20 năm sau, cửa hàng kinh doanh nhỏ bé của ông đã trở thành công ty sản xuất nước giải khát lớn nhất Trung Quốc.



Chộp lấy cơ hội từ lá thư cuộc đời

Với những kinh nghiệm tích cóp được từ việc bán sữa ở trường học và những tháng ngày lăn lộn với cuộc sống vất vả ở Hàng Châu, Tông quyết định làm việc lớn. Đó là, nâng cấp cửa hàng nhỏ bé của mình thành một cửa hàng lớn, có tên gọi Wahaha, chuyên phân phối các loại nước giải khát có ga, kem và các loại đồ dùng lặt vặt khác.

Năm 2006, Tông Khánh Hậu được xếp thứ 23 trong danh sách những người giàu có nhất Trung Quốc và thứ 840 trong danh sách những người giàu có nhất thế giới do Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn với tổng tài sản ước tính lên đến 1 tỷ USD.

4 năm sau, ngày 11/3 vừa qua, Tạp chí Forbes vừa công bố, Tông Khánh Hậu - Tổng giám đốc tập đoàn Wahaha Hàng Châu - là người giàu nhất Trung Quốc lục địa. Với giá trị tổng tài sản lên đến 7 tỷ USD, Tông Khánh Hậu cũng được xếp vị thứ 103 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Trong phòng trưng bày của tập đoàn Wahaha vẫn để một lá thư đã ố vàng, đó là lá thư bổ nhiệm, được ký ngày 6/4/1987. Năm đó, Tông trở thành trưởng phòng kinh doanh của Phòng giáo dục huyện Thượng Thành, thành phố Hàng Châu. Vào thời điểm Tông đựơc bổ nhiệm vào vị trí nghe rất “oai” này, phòng kinh doanh đang ở trong tình trạng nợ nần và đang có nguy cơ bị giải tán. Trong khi đó, “sếp” của Tông đặt mục tiêu cho trưởng phòng kinh doanh là phải đạt lợi nhuận không thấp hơn 40.000 NDT trong năm đầu tiên.

Với kinh nghiệm về cửa hàng nước giải khát trong trường học, Tông trở thành ứng cử viên tốt nhất cho vị trí này. Ở tuổi 42, Tông Khánh Hậu đồng ý với lời đề nghị này và cam kết sẽ đem về mức lợi nhuận 100.000 NDT trong năm đầu tiên.

Ở tuổi “tứ thập”, nhiều người Trung Quốc thường tự bằng lòng với một cuộc sống ổn định. Nhưng Tông Khánh Hậu lại chọn khởi đầu một chặng đường mới đầy thử thách. Tông nhớ lại: “Lá thư bổ nhiệm đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Phòng giáo dục huyện Thượng Thành, thành phố Triết Giang đã chọn tôi làm giám đốc phòng kinh doanh. Đây là sân chơi thực tế để tôi thể hiện hết tài năng của mình”.

Chẳng bao lâu sau khi đảm nhiệm vị trí này, Tông Khánh Hậu bắt đầu đề xuất và thực hiện những bước đi hiệu quả, đưa Wahaha lên bậc vinh quang lớn. Tông thực hiện một cuộc điều tra trong số 3.000 học sinh ở Hàng Châu, cho thấy gần nửa số học sinh ở đây bị suy dinh dưỡng. Với kết quả khá “sốc” này, Tông đã hỏi ý kiến của Giáo sư Chu Thụ Dân của Phòng dinh dưỡng - Đại học Dược Triết Giang về việc sản xuất một loại nước giải khát bổ dưỡng cho trẻ em dựa trên các bài thuốc dân gian của Trung Quốc.

Tháng 11/1988, Wahaha giới thiệu sản phẩm nước uống dinh dưỡng đầu tiên của Trung Quốc dành cho trẻ em. Khẩu hiệu “Uống Wahaha, thưởng thức vị ngon” trở nên phổ biến trên khắp đất nước. Wahaha kiếm được 4,88 triệu NDT doanh thu bán hàng trong năm đầu tiên sau khi sản phẩm này được tung ra thị trường. Con số này đã tăng lên 27,12 triệu NDT trong năm thứ hai và vượt quá 100 triệu NDT trong năm thứ ba.

Vào tháng 4/1989, nhà máy thực phẩm dinh dưỡng trẻ em ở Hàng Châu đã được đặt tên mới là nhà máy thực phẩm dinh dưỡng Wahaha Hàng Châu, đánh dấu sự khởi đầu của công ty trên thị trường nước giải khát Trung Quốc. Wahaha có thêm sức mạnh nhờ sự phối hợp với nhà máy thực phẩm dinh dưỡng trẻ em Hàng Châu.

“Thực ra, nhiều công ty khác đã sản xuất nước giải khát dinh dưỡng khi Wahaha bước chân vào lĩnh vực này. Nhưng tôi nhận ra, không ai trong số họ sản xuất nước uống dinh dưỡng dành cho trẻ em. Và đó là lý do đưa đến sự thành công của chúng tôi”, Tông Khánh Hậu nói.

Kể từ những năm 1990, tỉnh Triết Giang đã khuyến khích sự phát triển của kinh tế phi nhà nước. Trong môi trường năng động đó, Wahaha nhận ra một cơ hội khác để phát triển. Năm 1991, với sự trợ giúp của chính quyền thành phố Hàng Châu, nhà máy dinh dưỡng Wahaha đã có 100 nhân viên cùng với tài khoản tiền gửi lên đến 60 triệu NDT, đã mua lại nhà máy thực phẩm đóng hộp Hàng Châu với giá 80 triệu NDT.

Vào thời điểm đó, nhà máy thực phẩm đóng hộp Hàng Châu có hơn 2.000 nhân viên và khu vực nhà xưởng rộng 60.000 m2, nhưng tổng tài sản này vẫn thấp hơn số nợ phải trả của nhà máy.

Tập đoàn Wahaha Hàng Châu chính thức được thành lập. Với lợi thế về sản phẩm, nguồn vốn và mức độ thâm nhập thị trường, chỉ trong 3 tháng, tập đoàn này đã giúp cho phần sản xuất của nhà máy thực phẩm đóng hộp Hàng Châu sinh lợi. Năm sau đó, doanh thu bán hàng và lợi nhuận trước thuế của Wahaha đã tăng khoảng 100%.

“Trứng nhà quê chọi đá thành phố”

Khi Wahaha, một từ trong tiếng Trung Quốc để mô phỏng tiếng cười của trẻ con, tung ra sản phẩm Future Cola, các nhà phân tích không đặt nhiều niềm tin vào sản phẩm này. Nhiều công ty trong nước đã cố gắng bán những loại nước uống giống cola nhưng đều thất bại. Coke và Pepsi gần như là những đỉnh cao không thể vượt qua. “Mục tiêu cạnh tranh với Coke và Pepsi của chúng tôi được xem như trứng chọi với đá”, Tông Khánh Hậu thừa nhận.

Wahaha đã phải mất đến một năm để phát triển loại nước uống cola của riêng mình, sản xuất một loại nước uống gần với Pepsi hơn là Coke. Họ đặt tên là Future Cola - Cola tương lai với hàm ý một loại nước uống đặc biệt. Đóng gói màu đỏ với phông chữ khá giống kiểu chữ của Coke.

Thế nhưng, sự ra đời của sản phẩm Future Cola đã đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử của Wahaha. Hai hãng nước giải khát có tuổi đời hàng thế kỷ là Coca-Cola và Pepsi, cũng là những người dẫn đường trên thị trường nước giải khát thế giới đã đến Trung Quốc vào thập niên 1970 và sau đó chiếm lĩnh được 50% thị phần của thị trường nước giải khát nước này. Tuy nhiên, Tông Khánh Hậu đã nhìn thấy cơ hội mới khi ông nhận ra rằng hai gã khổng lồ này đã bỏ qua thị trường nông thôn của Trung Quốc.

Năm 1998, Wahaha cho ra mắt sản phẩm Future Cola để cạnh tranh trực tiếp với Coke và Pepsi. Với giá thấp và chính sách phân phối ưu đãi, Wahaha đã bán đựơc 620.000 tấn Future Cola năm 2002, chiếm 12% thị phần nước giải khát có ga. Mức thị phần này gần với thị phần của Pepsi ở Trung Quốc. Trong khi Coke và Pepsi đã chiếm lĩnh thị trường thành phố của Trung Quốc, thì Future Cola lại chi phối thị trường nông thôn của nước này.

Ngày nay, Wahaha được xếp vào danh sách 500 doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu Trung Quốc xét về lợi nhuận trước thuế. “Tôi là một người bình thường, sống trong một giai đoạn chuyển đổi của đất nước và nền kinh tế”,Tông nói.

“Sau khi học xong cấp 2, cái nghèo đã làm gián đoạn việc học của tôi. Sau đó, tôi phải về nông thôn để làm việc cho gia đình. Chính sách cải cách và mở cửa đã giúp tôi trở thành một doanh nhân và đứng đầu một doanh nghiệp nổi tiếng của cả nước, và Wahaha đã phát triển từ một cửa hàng của trường học thành một công ty nước giải khát không thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Đây là lúc tôi phải đền đáp cho xã hội. Tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ nhiều người hưởng lợi từ chính sách cải cách và mở cửa”, Tông chia sẻ quan điểm của mình.

Giấc mơ bán sản phẩm cho 1,3 tỷ người Trung Quốc của Tông Khánh Hậu đã được hiện thực hóa. Trung bình, mỗi người Trung Quốc đã mua khoảng 10 chai Wahaha. Công ty này đã kiếm được 10 tỷ NDT (1,46 tỷ USD) năm 2003. Nhờ đó, Wahaha đã trở thành công ty sản xuất nước giải khát lớn thứ tư đứng sau 3 người khổng lồ là Coca Cola, Pepsi và Cadbury.

Mặc dù không được học hành bài bản, bù lại Tông Khánh Hậu lại sở hữu bản năng kinh doanh nhạy bén. Ông đã nghĩ rằng việc sử dụng vốn quốc tế có thể là cách tốt nhất để xây dựng một doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Vì vậy, Tông đã bán 51% cổ phần của 5 nhà máy có khả năng sinh lợi nhất cho tập đoàn nước giải khát Danone của Pháp và Công ty BNP Paribas Peregrine.

Sau khi bán cổ phần, Tông Khánh Hậu vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí lãnh đạo của liên doanh này. Ông vẫn giữ thương hiệu này, tên của chủ tịch tập đoàn, và đảm bảo rằng mức lương hưu của các cựu nhân viên và vị trí của các nhân viên hơn 45 tuổi vẫn giữ như cũ.

Ông còn được gọi là doanh nhân Trung Quốc chăm chỉ nhất, vì ông vẫn lượn lờ trên thị trường 200 ngày/năm. Sự chăm chỉ làm việc của ông được tôi luyện từ những tháng ngày thơ ấu nghèo khổ. Đến năm 33 tuổi, ông vẫn chỉ là một nhân viên bán hàng cho một trường học ở Hàng Châu.

Ông nhận ra rằng trẻ con thường mất cảm giác muốn ăn sau khi đã ăn quá nhiều quà vặt và vì vậy, ý tưởng sản xuất một loại thức uống lợi tiêu hóa đã nảy sinh trong đầu ông. Loại sữa hỗ trợ tiêu hóa Wahaha của ông đã bắt đầu được ra đời năm 1988 và giành được sự ưa thích của người tiêu dùng trên khắp cả nước. Một vài năm sau đó, Tông bắt đầu sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai và cũng đạt được thành công to lớn.

Tông cũng có ý tưởng mở rộng thị trường trong nước bằng việc tặng tiền cho nhiều người. Ông đã đề xuất việc tặng các thẻ mua hàng cho khách hàng. Ông cũng nghĩ rằng, về dài hạn một xã hội ổn định cần có một tầng lớp trung lưu rộng rãi và phải tăng thu nhập cá nhân vì sự phát triển của kinh tế và xã hội.

Đề xuất này cũng đã đựơc ông biến thành hành động. Khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới gần đây nhất đã khiến một vài công ty phải sa thải nhân viên và đóng cửa dây chuyền sản xuất, công ty của Tông vẫn tuyển dụng rất nhiều người. Wahaha đã đầu tư 6 tỷ NDT (878 triệu USD) để xây dựng 90 dây chuyền sản xuất mới và tạo việc làm cho 7.000 người. Ông cũng thành lập quỹ từ thiện Phúc Lợi ở tỉnh Triết Giang để hỗ trợ cho sinh viên nghèo và các tổ chức tình nguyện.

Năm 2007, mối quan hệ liên doanh giữa Wahaha và Danone không còn tốt đẹp vì theo Tông Khánh Hậu, Danone đã kiểm soát cả công ty vì vậy ông quyết định ra đi và lại lập doanh nghiệp riêng của mình. Vẫn tiếp tục trên thị trường nước giải khát, thương hiệu Wahaha Hàng Châu lại tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và vị thế của Tông Khánh Hậu tiếp tục được cải thiện trong danh sách những người giàu nhất do Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn.
Theo: VnEconomy

1 nhận xét:

ChoiBlogs.blogspot.com nói...

bạn xem lại cái Rss comments dy ^^ no chuyen wa rss post roi kia !

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa