“Kho báu… ngủ quên” trên địa đầu tổ quốc

(thongtin247) - Trong khi Sa Pa (Lào Cai) từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của bao du khách thì vùng cực Bắc của Tổ quốc - cao nguyên đá kỳ vĩ Đồng Văn (Hà Giang) vẫn còn là cái tên xa lạ với rất nhiều người…

Hầu hết những công trình dân sinh ở Đồng Văn đều mang những nét kiến trúc cổ. Đó là tài sản có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy bản sắc nghệ thuật kiến trúc.

Nhà của người Mông thường có một mái ba gian một cửa chính, một cửa ngách để khi có đám tang sẽ đưa quan tài ra theo hướng ấy.

Nhà ông Vương hay còn gọi là nhà Vua Mèo (Vương Chí Sình) ở thung lũng Sà Phìn trên quả đồi hình mai rùa được xây dựng bằng tài năng điêu luyện của thợ đá đến từ Trung Quốc và thợ giỏi nhất của người Mông. Họ kén chọn toàn đá xanh, gỗ pơ mu chạm trổ công phu, đẹp mắt với những hình rồng bay phượng múa…

Đây là công trình kiến trúc hiếm có thể hiện uy lực hưng thịnh và tài trí của người Mông.

Người dân nơi đây kể rằng: “Vua Mèo” đã chiêu mộ nhiều thợ đá giỏi ở Vân Nam (Trung Quốc) về xây nhà cho mình. Khi xây xong, “Vua Mèo” thanh toán thù lao đàng hoàng, nhưng trên đường về, “Vua Mèo” đã dùng mưu cho quân đón đường tiêu diệt đội quân xây nhà đó lấy lại toàn bộ số tiền công ông đã trả...

Ngoài ra, nơi có ba phần tư diện tích tự nhiên là đá (Đồng Văn) còn có những dãy núi đá tai mèo xám xịt hùng vĩ. Đá can dự vào mọi sinh hoạt của người Mông, đá ở trong nhà, đá ra ngoài vườn, đá bên giường nằm, bếp lò hun thịt thú rừng cũng dựng lên bằng đá…

Trong những bản làng thấp thoáng treo leo trên vách núi, có những dãy tường rào bao quanh những ngôi nhà trình tường của người Mông thật kỳ lạ. Những viên đá tai mèo lởm khởm được đồng bào xếp chồng lên nhau khéo léo, vững chắc.

Đá theo người Mông vào nhà, ra ngõ (ảnh: VIT)

Đồng Văn thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Để có nước sử dụng, người dân lấy đá quây thành những giếng cạn hứng nước mưa. Tất cả những điều đó khiến cho Đồng Văn trở thành một thị trấn nhỏ dưới thung lũng đá, với một phong cách quyến rũ bước chân những ai đã từng đến.

Tôi chợt chạnh lòng vì chúng ta chưa có luật di sản thiên nhiên để bảo vệ những giá trị thiên nhiên ban tặng cho con người như tài sản… đá trên cao nguyên Đồng Văn.

Trở lại Đồng Văn những ngày đầu năm nay, tôi thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay mà mảnh đất, con người nơi đây đã làm được. Tháng 4/2006, huyện đã tổ chức thử nghiệm “Đêm Phố Cổ Đồng Văn” thu hút hơn 500 lượt người tham quan, và tiếp tục được tổ chức vào các đêm 13, 14, 15 âm lịch hàng tháng.

Hiện nay, “Chợ Đêm Phố Cổ” chưa có nhiều hoạt động, mới chỉ giới thiệu các món ăn tiêu biểu gắn với phong tục tập quán vùng cao như món mèn mén (bánh bột ngô), Thắng cố, kéo co, ném còn, chơi đèn lồng…

Bên trong một dãy phố cổ nay là chợ huyện Đồng Văn. Dưới mỗi cột trình tường là bếp nấu món Thắng cố của người Mông. Giữa dãy chợ là hàng đèn lồng được thắp sáng mỗi tối rằm hàng tháng (ảnh: VIT)

Hoạt động này đã thu hút được gần 500 khách nước ngoài và 10.000 du khách trong nước.

Chợ huyện Đồng Văn chỉ họp một lần vào chủ nhật hàng tuần quây quần lọt thỏm giữa thung lũng, cạnh dãy phố cổ tối sẫm được trang điểm bằng mái ngói âm dương, thấp thoáng trong sương mờ phố núi.

Thiếu nữ Mông trong phiên chợ huyện Đồng Văn (ảnh: VIT)

Khu phố cổ Đồng Văn nằm dưới một vách núi đá thẳng đứng nay còn khoảng 40 ngôi nhà cổ, trong đó cổ nhất là hai ngôi nhà của dòng họ Lương, có niên đại chừng 300 tuổi.

Căn nhà cổ nhất có tuổi đời 300 năm do ông Lương Trung Nhân, đứng đầu dòng họ Lương thời đó xây dựng. Theo ông Lương Huy Ngò, cháu ông Lương Trung Nhân, căn nhà có niên đại sớm hơn được xây dựng vào khoảng năm 1815. Nhưng căn nhà này bây giờ lại đang xuống cấp nghiêm trọng.

Những căn nhà trong khu phố cổ có dáng vẻ bên ngoài khá tương đồng, đều là nhà gỗ hoặc trình tường đất nhưng lại mang những nét kiến trúc độc đáo riêng của từng dân tộc.

Nhà của người Mông thường có một mái, tường trình đất dày tới nửa mét để thích nghi với thời tiết từng mùa. Hầu hết những căn nhà cổ của người Kinh đều được lợp bằng ngói máng (ngói cổ), làm từ đất sét nhuyễn đổ khuôn nung…

Mặc dù khu phố cổ được hình thành bởi nhiều dân tộc khác nhau, và tới nay đã có nhiều thay đổi, nhưng cái hồn của phố cổ thì dường như vẫn còn nguyên vẹn, bởi mỗi dân tộc đều giữ được những tập tục của mình.

Theo Chủ tịch huyện Đồng Văn Sùng Đại Hùng, Đồng Văn đang có dự định đưa thêm một số hoạt động mới vào phục vụ "Đêm phố cổ" như giới thiệu về những loại sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc anh em tỉnh Hà Giang để tăng sức hấp dẫn hơn nữa đối với du khách thập phương.

Người dân Đồng Văn cũng đang nỗ lực để phố cổ Đồng Văn trở thành điểm thăm quan du lịch.

Thiết nghĩ, đấy cũng là biện pháp đưa đời sống nhân dân nơi đây ngày càng khấm khá và bảo tồn những giá trị vô giá mang bản sắc của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Nhưng, đấy mới là lý thuyết, mọi ước mơ mãi chỉ là mơ ước nếu không có những điều kiện để thực hiện những phương án khả thi. Người dân trong khu phố cổ vẫn đang sống trong những ngôi nhà cũ và gặp nhiều trở ngại khi phải gìn giữ ngôi nhà của mình.

Để chỉnh trang ngôi nhà cũ theo đúng kiến trúc cổ cần nhiều kinh phí nên nhiều hộ không đủ khả năng sửa chữa. Nhiều nhà cổ có kiến trúc độc đáo đang xuống cấp có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào nơi đây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa