Vì sao Long Nhật yêu đàn ông không ngại ngùng?

(thongtin247) - Cho tới bây giờ, tôi mới hiểu, vì sao khi gặp những người đàn ông khác, họ dành tình cảm yêu thương và chăm chút cho tôi, tôi cũng không hề cảm thấy ngại ngùng hay ngạc nhiên mà đón nhận nó một cách đầy hào hứng, hạnh phúc...".

Đó chính là những cảm xúc thật của chàng ca sỹ gốc Huế Long Nhật sau những scandal khá lùm xùm về giới tính và những sự thật gây sốc khi ca sỹ này thú nhận từng sống với người đồng tính. Có lẽ vì thế mà Long Nhật đã quyết định trải lòng mình khi quyết định cho ra đời cuốn tự truyện về cuộc đời mình.

Cuốn tự truyện của Long Nhật được chia làm 9 phần: Ám ảnh tuổi thơ, Tình đầu nồng cháy, Cuộc trốn chạy đầu tiên, Đời ca sĩ: Vinh quang và bầm rập, Ân nhân- Người tình, Sự thật và thị phi, Thuyền tình cập bến, Cây muốn yên, gió chẳng ngừng, Thay lời kết.


Phần 1: Ảm ảnh tuổi thơ

Tôi vốn người gốc Huế nhưng được sinh ra ở Đà Nẵng và ở đó một thời gian rồi mới quay về quê nội ở Phá Tam Giang, một vùng như hòn đảo nhỏ, đã đi vào ca dao và âm nhạc với phía bắc là cửa sông Ô Lâu, phía nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An. Để về được đất quê nội, chúng tôi phải đi đò ngang.

Cả tuổi thơ của tôi và cả đời này của tôi gắn với những kỷ niệm và tình yêu dành cho người chú đã mất, chú Dũng, em trai kế ba tôi. Tôi cũng không hiểu sao, tình yêu của chú Dũng lại sống mãnh liệt trong tôi đến vậy, cho tới bây giờ, dù tôi được sống trong một đại gia đình rất yêu thương, gắn bó và có trách nhiệm với nhau.

Nỗi đau đầu đời

Ba tôi vốn là anh cả trong một gia đình đông anh em, bởi vậy, ông phải gánh vác cả gia đình. Má cũng là người phải chia sẻ gánh nặng đó. Mà trong gia tộc, có một “luật bất thành văn”: đàn ông không phải làm bất cứ việc gì ngoài kiếm tiền, do đó, mẹ khá vất vả trong việc quán xuyến việc nhà: từ giặt giũ, tắm gội, chăm sóc các em, các con cho tới chợ búa, cơm nước, chẻ củi, mắc dây phơi, giã gạo…. Khi mẹ về, các cô chú còn nhỏ nên mẹ còn phải tắm cho cả mấy em chồng. Chính vì thế mà gia đình tôi có sự gắn kết đặc biệt và chúng tôi được các cô chú yêu thương nhất mực.

Như rất nhiều gia đình khác thời bấy giờ, ông bà nội tôi sinh rất nhiều con, nhưng tới giờ thì một phần trong số đó đã mất: Ba tôi là anh cả, tới chú Dũng, cô Nhung (ở Đà Lạt), chú Tuyển (Mỹ), cô Kim Chi (Kon Tum), cô Hằng (ở Huế), cố Sương (ở Buôn Mê Thuật). Bố mẹ tôi thì sinh được năm anh em tôi: hai trai và ba gái liền nhau sau.

Gia đình ca sĩ Long Nhật khi anh còn nhỏ. Long Nhật đứng cạnh cha.
Gia đình ca sĩ Long Nhật khi anh còn nhỏ. Long Nhật đứng cạnh cha.

Trong số tất cả các cô chú thì chú Dũng yêu thương tôi nhất, yêu tới mức mà khi chú đi lính chú cũng xin bố mẹ tôi một cái ảnh của tôi theo để ngắm cho đỡ nhớ. Chú còn nói với bố mẹ là: Anh chị cho em cu Tiêu (tên gọi ở nhà của tôi) để em nuôi, em không lấy vợ đâu. Có lẽ chú Dũng ở cùng nhà với bố mẹ tôi, chú gắn bó với tôi từ lọt lòng, mà tôi nghe các cụ nói: nếu mình gắn bó với đứa trẻ nào đó từ khi nó lọt lòng thì sẽ yêu quý nó vô cùng.

Nhưng rồi chú cũng lấy vợ và ra ở riêng, đêm tân hôn, tôi khóc ngằn ngặt đòi xuống ngủ cùng. Chú bảo: Để em cho cháu xuống, không sao đâu. Nhưng ba mẹ tôi ngăn cấm, không cho tôi theo, những ngày sau đó, họ cũng không cho tôi ngủ cùng chú. Nhưng bao giờ chú cũng cho tôi xuống, dỗ cho tôi ngủ say rồi mới bế tôi về nhà trả cho mẹ.

Chính vì thế, dù tôi được cả nhà cưng chiều, bao bọc tới mức dựa dẫm, ỷ lại thì tình cảm của tôi vẫn dành cho chú Dũng nhiều nhất. Sau chú thì mẹ tôi cũng là người “mất hết khả năng” khi đứng trước tôi, bà yêu chiều tôi dường như nhất nhà, tôi cũng không hiểu vì tôi hay nũng nịu mè nheo, âu yếm mẹ hay bởi mẹ thấy tôi tình cảm như con gái mà thương tôi đến vậy. Bà nội cũng chiều tôi nhất mực: hồi đó, tôi bị hen suyễn và viêm mũi dị ứng, cô Hồng tôi cũng bị hen như tôi nên bà nội cưng chiều hai cô cháu.

Long Nhật được mẹ bế khi còn nhỏ.
Long Nhật được mẹ bế khi còn nhỏ.

Cô cháu tôi phải kiêng thịt gà, thời đó thịt gà rất quý, nên hai cô cháu được bù đắp bằng cách được ăn nhiều “cao lương, mỹ vị” khác. Khi ngủ cũng được nằm chỗ tốt: mùa hè, cả nhà phải nằm trong buồng nóng thì hai cô cháu tôi được nằm với ông nội trên bộ ngựa (ngoài bắc gọi là tấm phản gỗ) ở nhà ngoài, tấm ngựa này làm bằng gỗ lim bóng nhoáng, mát lạnh. Mùa đông, người lớn lại bị ra nhà ngoài nằm còn nhường cái giường ấm áp lại cho cô cháu tôi. Sau này, khi nhà tôi chuyển về TP Huế thì cô Hồng và út Sương từ quê nội ở Phá Tam Giang cũng lên ở với gia đình ba mẹ tôi để học cấp ba. Tới lúc đó, bà nội vẫn còn yêu quý tôi vô cùng, mỗi lần lên thăm bà lại mang bao nhiêu quà bánh, hoa quả theo.

Cho tới bây giờ, tôi mới hiểu, vì sao khi gặp những người đàn ông khác, họ dành tình cảm yêu thương và chăm chút cho tôi, tôi cũng không hề cảm thấy ngại ngùng hay ngạc nhiên mà đón nhận nó một cách đầy hào hứng, hạnh phúc. Bởi thấp thoáng ở người này, người kia, tôi thấy được sự yêu thương từ chú Dũng, một tình yêu thương mà tôi cần hơn hết thảy trên cuộc đời này song tôi chưa bao giờ có được từ cha, một người thâm trầm, im lặng và có uy hay từ anh trai, một người đẹp từ nhân cách tới tâm hồn nhưng luôn nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị (cho tới bây giờ, sau nhiều thăng trầm và những nỗ lực của tôi dành cho gia đình mà tôi sẽ kể ở đoạn sau thì cả ba và anh đã thay đổi cách nhìn đối với tôi. Hay có thể vì thời gian và tuổi tác nữa mà ba trở nên dễ tính hơn, anh hai cũng đỡ cực đoan hơn).

Tôi còn nhớ như in ngày tôi nghe tin dữ: chú Dũng mất. Hôm đó chỉ có tôi và chị giúp việc ở nhà, chị ấy nói có giấy báo tử và đọc to lên. Trong tâm trí non nớt của tôi, tôi vẫn không hiểu cái chết là thế nào nhưng khi hiểu được rằng, chú sẽ không bao giờ trở dậy, không bao giờ ôm tôi vào lòng hay kiệu tôi lên vai đi chơi, cõng tôi trên lưng và mua cho tôi rất nhiều quà bánh nữa thì tôi òa khóc. Lần đầu tiên trong đời, nhìn ánh mắt hiền từ, ấm áp của chú mỉm cười sau làn hương khói tôi đã bật khóc như chưa bao giờ được khóc, tôi khóc không nín được, cho đến lúc này, tôi vẫn còn ghét cay đắng hình ảnh bát cơm có gài quả trứng bên trên, nó là sự báo hiệu nỗi mất mát và chia cách giữa sự sống và cái chết, giữa yêu thương và ly biệt.

Nhưng cho tới khi đứng trước tấm mộ dài của chú, tấm mộ trải sỏi trắng, trồng mấy cây hoa sim tím lên trên thì tôi mới thấm thía được nỗi đau và nhận biết được thế nào là nỗi cô đơn, tôi hiểu: chú vĩnh viễn nằm yên nghỉ ở đó, không bao giờ quay trở về ôm hôn tôi nữa.

Đám ma chú Dũng của mình, Long Nhật khoanh tay đứng nép bên quan tài chú
Đám ma chú Dũng của mình, Long Nhật khoanh tay đứng nép bên quan tài chú

Tôi đã bị rơi vào trạng thái trầm cảm và tránh xa mọi người xung quanh một thời gian. Tôi thấy mình đơn độc. Cảm giác đứng tim và không dám thở mỗi khi có mặt ba ở nhà không còn mạnh như trước nữa mà thay vào đó là cảm giác không thích gần ông, chỉ mong ông đi làm. Thậm chí, tôi có cảm giác giận bố mẹ vì trước lúc chú mất, khi chuẩn bị phải nhập trại lính, tôi nằm giả vờ ngủ nghe chuyện người lớn, thấy chú xin bố mẹ tôi cho ở nhà thêm hôm nữa với tôi mà ba tôi không nghe. Tôi nhớ như in từng lời chú nói:

“Anh cho em ở lại nhà thêm hôm nữa, ngày kia em lên đơn vị được không?”.

Ba tôi hỏi: Để làm gì?

Chú nói: “Thằng Tiêu nó mới vào lớp một, đi học cứ khóc hoài, em muốn ở nhà đưa nó đi thêm hôm nữa”.

Ba tôi nói: “Không được, không chiều nó như thế quen thân. Mà chú cũng phải trở lại đơn vị, nghỉ thế đủ rồi”.

Sau đó, chú đã quay sang mẹ và bảo: “Chị có tấm hình nào của thằng Tiêu, cho em một tấm để em bỏ vào trong ví, lúc nào nhớ em mang ra ngắm”.

Cho mãi tới sau này, khi có vợ và có em bé, bé Quỳnh Như, chú vẫn yêu thương tôi nhất mực. Chú đưa tôi tới nhà thương Pao Lồ (năm đó là năm 1974) rồi chú đưa tôi đi chơi khắp nơi, mua bao nhiêu đồ chơi và quần áo, giày dép cho tôi. Số phận đã cướp ông ra khỏi cuộc đời của tôi. Nhưng tình yêu mà tôi dành cho ông sẽ còn mãi, cũng như bây giờ, trước mỗi chuyện gì đó quan trọng sẽ xảy ra, ông thường trở về, hiện hữu trong giấc mơ của tôi, như báo mộng trước.

Có một điều, không phải là mê tín, nhưng nó ám ảnh trong đầu óc tôi, khi ba nói rằng: bất cứ đám cưới nào cũng không được đưa đón dâu đứt quãng, xa mấy cũng phải đi liền mạch. Nhưng đám cưới của chú Dũng và thím, tôi đã phải nghỉ giữa chừng vì đường đất quá xa, có lẽ vì thế nên mới xảy ra cơ sự sau này. Tôi quá yêu chú tôi nên lý do nào bị nghi là tạo nên sự chia cắt với chú cũng khiến tôi để tâm. Và còn một điều nữa, là tôi vô cùng ghét chiến tranh, bởi chính nó đã đẩy chú phải ra chiến trường và cũng chính nó, vào cái ngày nghiệt ngã nhất: chú bị thương, nhưng bệnh viện nào cũng đóng cửa bởi bom đạn, chính vì thế mà chú không được cấp cứu kịp thời và phải ra đi khi mới 37 tuổi.


nguon suu tam


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

♦Rất cảm ơn bạn đã ghé thăm blog !
♦Bạn có thể cho ý kiến của mình về blog xin vào phần nhận xét ở dưới.
♦Mọi ý kiến của bạn sẽ giúp blog ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng được nhu cầu cho chính bạn .
♦Nếu bạn muốn liên kết Logo với thongtin247 thì bấm vào đây

 
Trang chủ | Liên kết | Không gian đẹp | Trắc nghiệm vui | Girl xinh | Nghệ thuật cắm hoa | Sáng tạo | Làm đẹp | Làm hoa Voan | Du lịch | Thể thao | Tình yêu | Teen | Bài thuốc dân gian | Nude | Sự tích hoa